Bố mẹ Lê Văn Luyện đổ lỗi cho nhau

Bố mẹ Lê Văn Luyện đổ lỗi cho nhau
Kể từ khi Lê Văn Luyện, hung thủ giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Ngọc Bích sa lưới, nhưng dư chấn của vụ án vẫn sục sôi trong nhân dân với nỗi căm phẫn tột độ.

Mẹ Lê Văn Luyện: Xin răn đe giúp cháu nên người

PV đã có cuộc gặp gỡ, tâm sự với bố mẹ sát thủ máu lạnh tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang.

"Tôi càng tính càng bế tắc"?

Chiều tháng 9 đang nắng lóa bỗng đột ngột đổ mưa. Nhưng chỉ ít phút sau khi tạnh, từ trong đám mây xám xịt, bầu trời chói chang lại hiện ra, phả những tia gay gắt khiến không gian trại tạm giam vốn đã ngột ngạt lại hầm hập nóng.

Bố đẻ của sát thủ là Lê Văn Miên, sinh năm 1969, hiện làm nghề mổ lợn ở thôn, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam.

Thường, trước một sự việc tày đình xảy đến với gia đình, bao giờ người đàn ông cũng lao tâm khổ tứ tìm hướng xử lý, nhưng vẻ như không có gì bất ổn qua thái độ và trên khuôn mặt ông bố này. Với giọng nhát gừng, lúc có đầu có cuối, lúc trống không, ông Lê Văn Miên nói:

Từ hôm bị bắt đưa vào Trại tạm giam kế này, tôi ngủ rất ít vì lo lắng và suy nghĩ rối bời.

“Nói như vậy có nghĩa là trước khi bị bắt, anh không suy nghĩ, lo lắng gì?.

(Im lặng)!

Lần cuối cùng trở về nhà, Luyện có cho anh biết là hắn vừa gây ra một vụ án kinh hoàng không?

 Không, nó không nói gì cả, chỉ tắm rửa, ăn cơm xong là đi ngay.

Vậy sao anh lại biết Luyện mang về số vàng lớn đến như vậy rồi đem chôn ở ngoài vườn?

Tôi không cầm số vàng đó trực tiếp từ tay Luyện. Một ngày sau khi nó đi, tôi đọc được lá thư do chính tay nó viết cho gia đình.

Anh vẫn còn nhớ nội dung lá thư ấy?

Tôi không nhớ hết được từng chữ, nhưng đại loại Luyện nói rằng con là đứa con bất hiếu, con xin lỗi bố mẹ và các em... Cũng trong lá thư ấy, Luyện có nói về số vàng và bảo tôi cất giấu. Tôi đã đem số vàng đó ra góc vườn chôn giấu.

Lúc tìm thấy và chôn giấu số vàng lớn do Luyện để lại, anh nghĩ gì và có nói với mẹ của Luyện không?

Tôi không nói cho vợ tôi biết, vì sợ cô ấy lo lắng. Hôm tôi nghe thông tin về vụ án tại tiệm vàng Ngọc Bích thì tôi biết được Luyện chính là hung thủ và đang trốn ở Lạng Sơn.

Biết Luyện gây ra trọng tội, lại biết nơi Luyện lẩn trốn, sao anh không khuyên con ra đầu thú mà lại lên Lạng Sơn hỗ trợ cho Luyện việc chạy trốn? Phải chăng anh cũng... hoa mắt vì số vàng?

Ông Lê Văn Miên ngồi bất động, cúi mặt. Đúng lúc tôi không còn kiên nhẫn để chờ đợi câu trả lời thì ông nói, nói liền một hồi khiến tôi bất ngờ về một tay làm nghề mổ lợn: "Ai cũng vậy thôi, trong trường hợp của tôi, đứng trước sự nguy hiểm của con và của gia đình thì buộc phải tìm ngay một lối thoát. Khi người ta ở thế cùng của sự lựa chọn thì thường là chọn con đường ít nguy hiểm hơn cả. Tôi biết đứa con trai đầu lòng của tôi sẽ không còn gì nếu nó bị bắt. Tôi định giãn thời gian ra để tính nhưng càng tính tôi càng bế tắc. Thật ra tôi rất sợ, sợ tai tiếng, sợ nỗi mất mát không gì bù đắp được của gia đình bị hại, sợ tội không khai báo. Nhưng có lẽ tình thương con mình lớn hơn, nên tôi đã im lặng. Giờ tôi phải trả giá".

Trước câu hỏi: "Nếu đặt mình vào tư cách người nhà bị hại hoặc một người dân trước tội ác man rợ của Lê Văn Luyện, anh sẽ đề nghị hình phạt nào cho thỏa đáng?". Ông Lê Văn Miên lại im lặng và lần này thì ông nhất quyết gằm mặt không nói gì thêm.

"Nếu tôi biết con phạm tội, một phút sau tôi sẽ đi trình báo"(?!)

Cũng bị đưa vào Trại tạm giam cùng ngày với chồng, bà Trương Thị Thơm (sinh năm 1973), mẹ của Lê Văn Luyện suy sụp trông thấy với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt sưng húp và thâm quầng. Không ai hiểu được trong lòng người mẹ này nghĩ gì, nhưng trước mặt tôi lúc này, khác hẳn với chồng, bà vừa khóc vừa nói những lời hoàn toàn cầu thị:

"Tôi không hề biết gì, kể cả việc anh Miên lên Lạng Sơn gặp Luyện. Tôi không phải là người học cao hiểu rộng, nhưng tôi biết đã gây nên tội thì phải đền tội. Thực lòng, khi nghe bà con loan tin về vụ giết cướp tại tiệm vàng Ngọc Bích, tôi xót thương gia đình họ và sởn da gà về hành động dã man của kẻ thủ ác. Nếu tôi biết con trai tôi phạm tội, dù đau đớn thế nào thì sau một phút tôi sẽ đi trình báo với cơ quan công an. Sau sự việc đau lòng này, nhất là khi bị bắt vào đây, tôi giận chồng tôi vô cùng...".

Bà Trương Thị Thơm, với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt sưng húp và thâm quầng
Bà Trương Thị Thơm, với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt sưng húp và thâm quầng.

Bà Trương Thị Thơm bỗng dừng câu chuyện ôm mặt khóc nghẹn. Rõ ràng bà vừa trải qua những ngày đêm dằn vặt: "Đêm đêm tôi không ngủ được, nhìn lên trần nhà, nhớ lại những gì về đứa con đầu lòng. Hồi nhỏ, Luyện không phải là đứa trẻ hư đốn, ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, mà chịu khó giúp đỡ bố mẹ và trông em. Chuyện có lẽ bắt đầu từ khi nó nghỉ học (lớp 9) rồi đi ra ngoài làm thuê. Tôi mừng vì Luyện có ý thức tự lập, nhưng rồi làm ăn chẳng thấy đâu, nó vẫn thường về xin tiền bố mẹ. Vì ham chơi, Luyện đã từng lấy tiền của chúng tôi, có lần tới vài triệu đồng. Tôi cứ nghĩ sau những trận đòn đau đớn, nó sẽ tránh xa những thú chơi bời”.

Mẹ Luyện cũng cho biết, “Do mải làm ăn, chúng tôi không có nhiều thời gian để ý chăm lo cho con và rồi gần đây Luyện lại mượn xe của chú rể đem cắm. Đi ăn chơi thua hết rồi, chắc nó sợ cô chú nên đã làm vậy. Nó đi miết, có biết đâu tôi đã chuộc lại chiếc xe đó rồi. Giá như bây giờ tôi được trở lại cuộc sống như trước, tôi sẽ không tham công tiếc việc để gần gũi giáo dục con. Nhưng tất cả đều quá muộn....".

Nghe những lời tâm sự vẻ như có ý thức của bà, tôi phần nào bớt đi nỗi bức xúc bởi câu chuyện kín mít sự bảo thủ của người chồng trước đó. Bà nói: "Cháu Luyện còn... dại, xin các cơ quan pháp luật răn đe giáo dục giúp cháu nên người...". (?!). Mẹ của Luyện im bặt trước câu hỏi: "Nếu ý thức của chị tốt như vậy, sao chị lại bị bắt vào đây"?.

Với những hành động tàn độc của Lê Văn Luyện, chắc chắn không thể có một lời ngụy biện nào cho dù từ đó xuất phát từ bố mẹ của hắn. Không phải ngẫu nhiên mà sau vụ trọng án này, dư luận trở nên bức xúc đến nỗi yêu cầu các cơ quan tố tụng phải có một lộ trình pháp lý đặc biệt để báo oán cho gia đình nạn nhân cũng như đủ sức răn đe chung.

Theo Hoài Nguyên
Người Đưa Tin

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.