Bộ Lao động,TB&XH đề xuất sửa hàng loạt quy định về bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Sẽ có những sửa đổi căn bản liên quan tới bảo hiểm xã hội.
Sẽ có những sửa đổi căn bản liên quan tới bảo hiểm xã hội.
TPO - Ngoài đề xuất giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ tối thiểu 20 năm xuống 15 năm và tiến tới xuống còn 10 năm, Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất nhiều sửa đổi liên quan tới hưởng BHXH một lần, chế độ thai sản, hưu trí…

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với mục tiêu để mở rộng độ bao phủ BHXH. Để đạt mục tiêu này, Luật BHXH sẽ sửa đổi theo hướng khuyến khích người tham gia bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, không hưởng BHXH một lần; tăng sức hút với BHXH tự nguyện; tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu hàng tháng.

Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, như: chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...; người lao động không tròn thời gian; công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã…

Điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình chỉ quyết với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp (trừ 1 số trường hợp đặc biệt). Hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần mức hưởng sẽ thấp hơn hiện nay.

Cùng đó sửa đổi giảm điều kiện hưởng hưu trí từ 20 năm đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Mức lương hưu sẽ tính toán để tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bộ LĐ, TB&XH cũng đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng: được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia BHXH.

Sửa đổi căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ BHXH gắn với mức lương cơ sở, như: sửa trần đóng BHXH; các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản, mức lương hưu thấp nhất…

Với chế độ hưu trí, luật có thể sửa theo hướng: Sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu; bổ sung quy định tăng lương hưu có xét tới nhóm có mức lương thấp và thu hẹp chênh lệnh lương hưu;

Với chế độ tử tuất, sẽ bổ sung các quy định như: tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo tuổi nghỉ hưu mới; cách xác định tuổi của thân nhân để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất (chưa đủ 18 tuổi, dưới 6 tuổi...); thu nhập làm căn cứ giải quyết chế độ…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2020, cả nước có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Hiện có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, chỉ trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỷ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.

MỚI - NÓNG