Bộ Giao thông tiếp tục cuối bảng về cải cách hành chính

TP - Trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có năm thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng về cải cách hành chính, thì ngược lại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại thêm một lần nữa đứng cuối trong bảng xếp hạng, dù điểm số đã tăng mạnh so với trước.

Sáng 19/5, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các Bộ, ngành và địa phương. Báo cáo kết quả khảo sát, Bộ Nội vụ cho biết, đơn vị có chỉ số CCHC cao nhất là Ngân hàng Nhà nước, tiếp đến Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

Ngược lại, Bộ GTVT là đơn vị năm thứ hai liên tiếp đứng cuối bảng xếp hạng, sau đó là Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông. Theo phân tích của cơ quan thực hiện khảo sát, một trong những lý do khiến Bộ GTVT, tiếp tục có chỉ số CCHC thấp là do đơn vị không đạt số điểm tại tiêu chí thành phần “tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa”.

Ở cấp tỉnh, báo cáo cho thấy, 10 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh đạt ở mức trung bình, 27 tỉnh đạt khá và 6 tỉnh tốt. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng, thứ hai là thành phố Hà Nội, và thứ ba là Đồng Tháp. Đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng này lần lượt là Bến Tre, Vĩnh Long và Quảng Ngãi… Nguyên nhân khiến Bến Tre rơi xuống vị trí “đổi sổ” được nêu ra trong báo cáo khảo sát, là tỉnh không hoàn thành một số nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chậm xử lý các văn bản trái pháp luật và những hạn chế, bất cập đã được cơ quan thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền chỉ ra trong năm 2019.

Trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công, không xin lỗi

Về kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (SIPAS 2019) trên 16 lĩnh vực dịch vụ công cho thấy, có đến gần 85% người dân, doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tỷ lệ không hài lòng ngày càng giảm. Tuy nhiên, tất cả tỉnh, thành đều xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; 62 tỉnh trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công và không xin lỗi.

Trong 16 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát thì lĩnh vực văn hóa và thể thao du lịch, lĩnh vực giao thông và vận tải có chỉ số cao nhất, còn lĩnh vực đất đai, môi trường đạt chỉ số thấp nhất, tiếp đó là lĩnh vực xây dựng, quản lý dự án. Đối với tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, có 1,41% số người dân, tổ chức được hỏi trong cả nước trả lời “có” và 0,47% nói “có” cho tình trạng gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/ lệ phí.

Nhận xét về kết quả khảo sát, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các địa phương đã tiến hành triển khai nghiêm túc, có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo để các doanh nghiệp, cá nhân thuận lợi hơn khi tiếp cận các dịch vụ công. Song ông cũng lưu ý ở một số nơi, doanh nghiệp và người dân vẫn còn phàn nàn về tình trạng cán bộ còn gây phiền hà, sách nhiễu; hiện tượng tham nhũng vặt.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, công tác CCHC là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế, xã hội. Những bộ, ngành địa phương có chỉ số thấp cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí. “Phải tạo ra sự chuyển biến thật sự trong bộ máy công quyền nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức là công bộc, không có sự nhũng nhiễu, không có chi phí ngoài luồng... Có như vậy, mới huy động tốt nguồn lực, tạo phong trào khởi nghiệp thật tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.      

Đối với tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, có 1,41% số người dân, tổ chức được hỏi trong cả nước trả lời “có” và 0,47% nói “có” cho tình trạng gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/ lệ phí. 

MỚI - NÓNG