Đến thời điểm này, hàng chục địa phương đã quyết định cho học sinh quay lại trường học từ thứ 2 tuần tới như: Thái Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bắc Giang, Hà Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên, vẫn có hơn chục địa phương cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2/2021 như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Phước, Hà Nam, Lào Cai, Hoà Bình, Tây Ninh, Bắc Ninh...
Trước thực tế đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đang tính toán và xây dựng các kịch bản khác nhau trong việc thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn phức tạp, học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì Bộ sẽ điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học; lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương. “Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chia thành nhiều đợt như năm ngoái cũng được Bộ tính đến từ sớm để có sự chủ động”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, theo ông Thành, chương trình khung năm học có 2 tuần để dự phòng. Do đó, đến thời điểm này, một số địa phương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 vẫn đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học. Chưa kể, các địa phương cho nghỉ học kéo dài đều yêu cầu dạy học trực tuyến.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn cho phép các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch COVID-19. Trường hợp học sinh không đến lớp, các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến qua Internet, truyền hình.
Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo từng trường nắm bắt tình hình học sinh sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để xây dựng phương án dạy học từ xa phù hợp và có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo khi học sinh quay lại trường.