Bộ GD&ĐT lên tiếng về 'bỏ cộng điểm ưu tiên vào lớp 10'

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT
TPO - Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT mới công bố, việc cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 sẽ bị bãi bỏ. PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT trả lời về quy định điểm ưu tiên, khuyến khích trong tuyển sinh THPT.

Trao đổi với báo Tiền Phong, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7, theo đó, dự thảo bỏ quy định "Sở giáo dục và đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích".

Cũng theo ông Thành, thực tế thời gian qua cho thấy, quy định này là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng các cuộc thi dành cho học sinh ở địa phương nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho học sinh, không nhận được sự đồng tình của xã hội.

“Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho học sinh. Thay đổi quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh trung học phổ thông sẽ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương tinh giảm các cuộc thi của Bộ”- Ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, chủ trương sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quy chế tuyển sinh vào trung học phổ thông, trong đó có việc bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong Quy chế tuyển sinh đã được dự thảo và đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi từ trung tuần tháng 12 năm 2017. Trong quá trình dự thảo, cùng với việc chỉ đạo tinh giảm các cuộc thi dành cho học sinh, các địa phương cũng đã sớm biết chủ trương của Bộ nên đã có sự chuẩn bị.

Khắc phục hiện tượng làm “đẹp hồ sơ”

PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, việc không giao cho các sở giáo dục và đào tạo quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích, trong đó bao gồm cả việc thi nghề phổ thông nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp trung học phổ thông, đồng thời khắc phục hiện tượng làm "đẹp hồ sơ", khiến nhiều học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề chỉ mang tính hình thức, không thực chất.

Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở theo Quy chế hiện hành.

Ông Thành cũng cho biết thêm, việc quy định cho các địa phương sử dụng kết quả thi nghề phổ thông được cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp THCS chỉ là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích học sinh học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, chứ việc cộng điểm khuyến khích không phải mục đích của việc dạy học nghề phổ thông.

“Đối với những học sinh học nghề vì mục đích học tập, tìm hiểu để có những hiểu biết, kỹ năng ban đầu về một số nghề phổ biến trong xã hội, phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì tôi tin, các em vẫn có động lực học tập tốt”- ông Thành nhấn mạnh.

Theo quy định, dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin của Bộ đến hết ngày 18/2/2018. Hết thời hạn đó, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo Thông tư trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành chính thức.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.