Bỏ cộng điểm ưu tiên vào lớp 10: Trả các cuộc thi về đúng nghĩa

Việc học nghề trong trường THCS chủ yếu là để lấy điểm cộng vào lớp 10 (ảnh minh họa)
Việc học nghề trong trường THCS chủ yếu là để lấy điểm cộng vào lớp 10 (ảnh minh họa)
Hàng trăm nghìn học sinh có thể không được cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT trong thời gian tới. Bỏ điểm cộng của một số cuộc thi vào lớp 10 THPT để tránh tiêu cực là cần thiết. Tuy nhiên, theo một số nhà giáo, cần có lộ trình thích hợp.

Bỏ cộng điểm của hàng loạt cuộc thi

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố, sẽ bỏ quy định sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy, cùng với một số cuộc thi khác, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.

Cụ thể, dự thảo mới này đã bỏ đi khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 năm 2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT:

“3. Đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”. Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ không giao cho cho các sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa.

Do đó thi vào lớp 10 thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD&ĐT tổ chức.

Lý giải về việc bỏ cộng điểm này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho hay, sở dĩ Bộ đang xin ý kiến để bỏ điều này bởi những lý do thực tế.

Hiện nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm. Trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp học sinh tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương. Còn về chế độ tuyển thẳng và ưu tiên, cơ bản Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên như cũ.

Được biết ngoài các cuộc thi khác, riêng việc học nghề các em phải theo đuổi từ năm lớp 8 (1 học kì) và thêm 1 học kì vào năm lớp 9. Trong đó, mỗi kì các em phải học 35 tiết.

Điều đáng nói, hiện rất nhiều học sinh đã bỏ thời gian và công sức để học nghề hoặc tham gia ôn luyện đội tuyển của nhiều cuộc thi. Do đó phụ huynh và học sinh lo ngại, nếu quy định này được áp dụng cho kì thi vào lớp 10 THPT năm nay, nhiều em sẽ rất thiệt thòi.

Một phụ huynh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, con gái chị hiện đang học tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Từ năm lớp 8 cháu đã được học 1 kì và năm lớp 9 lại tiếp tục học một kì nữa.

Để chuẩn bị cho kì thi nghề, cháu phải đóng phòng miệt mài ôn tập, ôn ngày, “cày” đêm, mất ăn mất ngủ vì 1,5 điểm cộng. Về phía nhà trường, để luyện tập thành thục cho các em, trường cũng liên tục tổ chức thi thử.

Thế nên theo phụ huynh này, thông tin có thể sẽ bỏ điểm cộng khi thi vào lớp 10 THPT trong thời gian tới đây, khiến cháu rất thất vọng.

Trả các cuộc thi về đúng nghĩa

Thầy giáo Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm học này, nhà trường đã nhận được thông tin của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tinh giản một số cuộc thi. Tuy nhiên, riêng việc thi nghề thì trường chưa nhận được hướng dẫn chính thức nào.

Cũng theo thầy Hà, quy định bỏ điểm khuyến khích sẽ giúp trả các cuộc thi trở về đúng nghĩa: Học sinh tập trung học văn hóa để thi vào 10 và thấy có năng lực thì đăng kí thi thêm các cuộc thi khác để thỏa mãn năng lực cá nhân. Như vậy, hai cuộc thi Văn hóa và thi đội tuyển hoặc thi nghề sẽ không còn liên quan đến nhau.

Tuy nhiên, theo phân tích của thầy Hà, mọi thứ đều có tính hai mặt. Chẳng hạn bỏ cộng điểm khuyến khích, chắc chắn số lượng học sinh đăng kí tham gia các cuộc thi khác sẽ giảm đi.

“Việc ôn thi học sinh giỏi mới khiến học sinh học lệch. Do đó không thể nói việc bỏ điểm cộng khiến học sinh học lệch để thi. Ngược lại, các em có các định hướng tốt hơn cho bản thân thay vì chạy theo các cuộc thi như hiện nay.

Bỏ cộng điểm ưu tiên vào lớp 10: Trả các cuộc thi về đúng nghĩa ảnh 1

Năm nay, Hà Nội giảm rất nhiều cuộc thi so với năm 2016 (ảnh minh họa)

Cuối cùng, điều tôi mong muốn nhất vẫn là: Cần có lộ trình thích hợp để triển khai. Nếu áp dụng ngay lập tức là chưa phù hợp và gây xáo trộn cho học sinh”, thầy Hà chia sẻ.

Nói về việc bỏ điểm khuyến khích của thi và học nghề sẽ không khuyến khích được học sinh tham gia bộ môn này, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội nhận xét, việc học nghề có ý nghĩa rất tốt. Quan trọng là đổi mới nội dung học nghề như thế nào cho phù hợp tình hình hiện tại.

“Qua nhìn nội dung việc dạy nghề THCS và THPT, tôi thấy không còn phụ hợp với từng địa phương nhất định. Có những nội dung đã lạc hậu từ rất nhiều năm. Cái chính là cần cung cấp cho các em nội dung hữu ích. Như vậy, câu chuyện sẽ không còn nằm ở việc có được cộng điểm hay không hoặc có lấy đó làm tiêu chí tuyển sinh hay không mà nó sẽ có sự thu hút ngay từ những nghề nghiệp hữu ích, thiết thực”, ông Nhâm cho biết.

Trả lời câu hỏi của PV về việc, nếu bỏ cộng điểm khuyến khích vào lớp 10 sẽ không thu hút các em tham gia các cuộc thi nữa, ông Nhâm cho hay, bản thân các em đã tham dự các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố, các em thừa sức để vào các trường, nên không nhất thiết phải chờ cộng điểm.

“Nếu học sinh có tư tưởng tham gia các cuộc thi ấy chỉ để cộng điểm thì những em này không tham gia nữa cũng không có gì đáng tiếc. Còn những em đã có năng lực, muốn thi để thử sức thì các em thừa khả năng vào các trường top trên hoặc thậm chí trường chuyên.

Về lộ trình thực hiện, chúng tôi cũng chỉ mới năm được dự thảo qua báo chí, chưa biết bao giờ áp dụng chính thức nên cũng mong có lộ trình phù hợp”, ông Nhâm cho biết.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.