Bỏ cướp lộc ở Hội Gióng là văn minh

TP - Nhiều nhà văn hóa, chuyên gia nghiên cứu ủng hộ đề xuất của huyện Sóc Sơn-bỏ nghi thức rước lễ vật giò hoa tre, trầu cau tại Hội Gióng đền Sóc (gắn với hành vi cướp lộc) để lễ hội thực sự văn minh, lành mạnh.

ĐỒNG THUẬN

Hội Gióng đền Sóc những năm gần đây luôn nằm trong danh sách điểm nóng. Tục rước lễ vật giò hoa tre, trầu cau về đền Hạ và đền Mẫu luôn thu hút đám đông. Đoàn rước vừa đặt chân vào sân đền nhanh chóng trở thành tâm điểm. Chưa đầy một phút đám đông xông vào xâu xé kiệu lễ vật, nên ngất xỉu hay sứt đầu mẻ trán là chuyện thường tình. Lực lượng an ninh đông đặc không lại với đám đông xông vào cướp lộc. Tuy mùa lễ hội 2017 được cho là an toàn, nhưng hình ảnh tranh cướp vẫn gây phản cảm. UBND huyện Sóc Sơn đề xuất thay đổi nghi thức, bỏ rước lễ vật để loại bỏ tính tranh cướp lộc trong lễ hội năm 2018.

Bỏ cướp lộc ở Hội Gióng là văn minh ảnh 1 BTC cam kết giảm bớt lực lượng an ninh tại Hội Gióng 2018. Ảnh:Nguyên Khánh.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị Di sản văn hoá Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu Hội Gióng cũng bất ngờ ủng hộ quan điểm của BTC. “Cướp lộc quá phản cảm, việc bỏ nghi thức đó đi cũng có thể coi là thử nghiệm. Mọi nghi lễ đều có sự thay đổi so với ngày xưa, chỉ có điều không được thay đổi bản chất lễ hội”, PGS Huy nói. Ủng hộ đề xuất này bởi ông cho rằng hành vi cướp lộc không phải nghi lễ, nó mang tính phái sinh. Nghi thức trong Hội Gióng theo ông nằm ở chỗ người dân dâng lễ và rước lễ lên đền Thượng để bày tỏ sự tôn kính với vị anh hùng dân tộc.

“Nghi thức rước giò hoa tre được ghi nhận trong hồ sơ trình UNESCO, tuy nhiên trong quá trình thực hành nghi lễ nếu phát sinh hành vi cướp lộc phản cảm, giẫm đạp thì phải có sự điều chỉnh”, ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đồng tình. BTC cho biết người dân Sóc Sơn đồng thuận thay đổi nghi thức, đó là sự tiến bộ cần thiết để đảm bảo lễ hội văn minh, lành mạnh. “Việc bỏ rước lễ vật từ đền Thượng xuống chẳng ảnh hưởng gì tới bản chất lễ hội. Thánh Gióng là một biểu tượng văn hoá, lâu nay dư luận có phần hơi ngộ nhận về tiêu chí của UNESCO. Thực tế UNESCO chỉ là một tổ chức, tôn chỉ của họ không phải là tôn chỉ chung của quốc tế”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.

KHÔNG CƯỚP, KHÔNG PHÁT?

Nhiều chuyên gia văn hoá đặt vấn đề cách thức tổ chức lễ hội văn minh, không phát sinh những tiêu cực mới. “Điều tôi lo ngại là sau khi lễ xong, xử trí lễ vật hoa tre như thế nào. Nếu không có phương án cụ thể, nó dễ trở thành đặc quyền và đặc ân của một nhóm người. Chỉ từng ấy hoa tre phát cho ai, nếu không sẽ lại nóng chuyện tiền nong, rồi chuyện chỉ quan chức và một số người được hưởng lộc”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.

BTC Hội Gióng đề xuất phương án về bãi đỗ xe, quản lý dịch vụ hàng quán trong khu vực di tích diễn ra lễ hội, tuy nhiên chưa thống nhất phương án tán lộc sau thực hành nghi lễ dâng hương. Một số chuyên gia ủng hộ quan điểm của PGS. TS Nguyễn Văn Huy - không nên phát lộc cho ai, nên hoá giò hoa tre giống với cách xử lý lễ vật voi chiến, ngựa chiến trong Hội Gióng.

Không chỉ lo ngại việc lộc ít, bị rơi vào một nhóm người gây ra hệ lụy, các chuyên gia cũng cảnh báo không nên để bùng phát biến tướng như câu chuyện bán buôn ấn đền Trần. Trong cuộc họp mới đây ở Bộ VHTT&DL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo đừng để xảy ra “hành vi khơi gợi lòng tham của con người ở lễ hội”. Văn hoá, di sản cần tiếp biến phù hợp với thời đại.

“Đối với di sản văn hoá, hành vi văn hoá và nghi lễ không phù hợp với xã hội ngày nay cần thay đổi. Không thể khư khư giữ hành vi đó, ứng xử với nhau như thời Trung cổ trong khi chúng ta đang tiến tới xã hội văn minh”.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

MỚI - NÓNG