Bộ Công Thương cho biết, triển khai nhiệm vụ tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/12/2023, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.
Ngày 15/3/2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA.
Ngày 22/3/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 112/TB-VPCP và Công văn số 1942/VPCP-CN ngày 25/3/2024, trong đó Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 5/2024 và tiến hành song song, độc lập việc phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét quy trình rút gọn, trường hợp xây dựng theo quy trình đầy đủ hay rút gọn vẫn phải lấy ý kiến, đánh giá tác động đầy đủ của các bên liên quan và tác động về kinh tế vĩ mô.
Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp không qua EVN |
Ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 814/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định.
Đến nay, Dự thảo 1 của Nghị định về cơ chế DPPA đã hoàn thiện, bao gồm 6 Chương, 35 Điều.
Chương I: Quy định chung (gồm 4 Điều);
Chương II: Mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng (gồm 4 Điều);
Chương III: Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia (gồm 2 Mục, 15 Điều);
Chương IV: Trình tự tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (gồm 2 Điều);
Chương V: Kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện (gồm 9 Điều);
Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 1 Điều).
Dự thảo 1 được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương chiều 10/4/2024 vừa qua.
Trong Dự thảo này, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định rõ ràng, đi cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.
Riêng đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Dự thảo Nghị định chia thành 3 mục với các đối tượng tham gia mua bán điện khác nhau là: Mua bán điện giữa đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua thị trường giao ngay; Mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty Điện lực; Mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.
Hiện nay Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước 30/4/2024. Mọi ý kiến đóng góp có thể gửi về: Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương - D10 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Email: DTDL@moit.gov.vn.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho biết, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike… đã gửi thư tới Chính phủ, Bộ Công Thương thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thỏa thuận trực tiếp giữa bên sản xuất điện và bên có nhu cầu mua điện về việc mua bán điện mà không thông qua các công ty điện lực của EVN.
Được biết, theo phương án được xây dựng, có hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất: Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN). Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.