Điện cho kinh doanh du lịch bằng giá điện sản xuất
Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dành cho các nhóm khách hàng: sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện lần này vẫn chia thành 6 bậc như đang áp dụng từ tháng 3/2015 đến nay.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, điểm mới của dự thảo lần này đó là đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất và được điều chỉnh bằng với giá bán điện cho sản xuất. Việc điều chỉnh này để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị (Nghị quyết 08 ngày 17/1/2017) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về biểu giá điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cho hay, qua thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt bậc thang đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách xã hội và và khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Vì vậy trong dự thảo quyết định Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay.
“Giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực Asean như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông- Trung Quốc, Nam Phi, Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang”, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Đã có kịch bản cho điều chỉnh giá điện năm 2017
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khả năng sẽ tăng giá điện trong năm, Bộ Công Thương cho hay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN trên cơ sở thực tế sản xuất kinh doanh điện 9 tháng đầu năm 2017 và ước cả năm 2017, tính toán giá bán điện bình quân năm 2017 báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định. Căn cứ các phương án do EVN đề xuất, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản điều hành giá điện 2017 và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện.
“Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tác động của các phương án đề xuất tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng và giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước là không đáng kể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 13/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Cần hỗ trợ nhiều hơn cho người nghèo
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, Hiệp hội đã từng có ý kiến về việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang theo hướng hỗ trợ mạnh hơn nữa cho các đối tượng nghèo. Cùng đó cần điều chỉnh giá điện giờ thấp điểm hạ xuống hơn nữa để khuyến khích các hộ kinh doanh, sản xuất sử dụng lượng điện lớn như: nhất là công nghiệp, cơ khí, may mặc, dệt da, nông nghiệp, thủy lợi, trạm bơm… hoạt động vào khung giờ đó.
“Mức hỗ trợ cho người nghèo như vậy, nếu chỉ dùng 100 số thì được hưởng giá thấp nhất, còn trên 100 số, chỉ điều chỉnh ít. Các đối tượng kinh doanh, sản xuất đang chiếm 60-70% tổng sản lượng điện sử dụng. Bên cạnh giảm giá điện giờ thấp điện, giá giờ cao điểm cần tăng lên”, ông Ngãi đề xuất và cho rằng, biểu giá điện 6 bậc hiện nay vẫn còn bất cập do khoảng cách các bậc hiện nay đang đánh vào túi tiền và bình dân trong khi đối tượng người giàu chưa chịu ảnh hưởng nhiều.
Về việc nếu có sự điều chỉnh giá điện sau khi Bộ Công Thương công bố biểu giá điện, ông Ngãi cho rằng, mức tăng giá điện nếu có, ở mức 5-6% là hợp lý do đây là mức tăng không lớn. Hiện giá điện bình quân của Việt Nam đang thấp hơn mức giá bình quân khu vực rất nhiều. Giá Campuchia 25-30 cent/kwh trong khi Việt Nam là 8 cent.
Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương công bố, giá bán lẻ điện sinh hoạt đang áp dụng, giá điện được chia làm sáu bậc. Bậc 1: 0-50 kWh, giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2: 51-100 kWh, giá 1.533 đồng/kWh; bậc 3: 101-200 kWh, giá 1.786 đồng/kWh; bậc 4: 201-300 kWh, giá 2.242 đồng/kWh; bậc 5: 301-400 kWh, giá 2.503 đồng/kWh; bậc 6: 400 kWh trở lên, giá 2.587 đồng/kWh. Biểu giá điện bậc thang lũy tiến được Bộ Công Thương lý giải nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.