Bộ Công Thương chỉ ra những vấn đề về giá thịt lợn

Giá thịt lợn còn cao. Ảnh: Nguyễn Bằng
Giá thịt lợn còn cao. Ảnh: Nguyễn Bằng
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/4, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này thì phải đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá. 

Có như vậy, các cơ quan quản lý mới đủ công cụ mạnh để kiểm soát giá mặt hàng thịt lợn như yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá, áp giá trần.Khi đã thừa hoặc đủ nguồn cung, giá thịt lợn sẽ tự khắc giảm.


Theo ông Trần Duy Đông, có một số vấn đề liên quan giá thịt lợn thời gian qua. Một trong những nguyên nhân quan trọng cơ bản nhất là nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Tổng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường trong quý I/2020 ước đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019. Việc nhập khẩu thịt lợn để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt của sản xuất trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Chính phủ căn cứ trên cơ sở nguồn cung và nhu cầu sản xuất trong nước đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn trong quý I. Tuy nhiên, tính đến 27/3 mới chỉ nhập khẩu được hơn 39 nghìn tấn.

Về giải pháp để nguồn cung đáp ứng nhu cầu, theo ông Trần Duy Đông, cần thực hiện song song 2 nội dung: Tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

“Các doanh nghiệp chăn nuôi cần tiếp tục giảm giá bán lợn hơi và tăng số lượng bán ra thị trường, vì với mức giá thành sản xuất như hiện nay thì giá bán lợn hơi 70.000 đồng/kg là quá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi phải thực hiện giảm giá bán đúng như cam kết với Chính phủ”, Đại diện Vụ Thị trường trong nước phân tích. 

MỚI - NÓNG