Hôm qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với cơ quan UNICEF tổ chức hội nghị sơ kết một học kỳ cả nước thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT cho biết hầu hết giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng nhận thức được việc đổi mới đánh giá ở cấp tiểu học (nhận xét thay vì điểm số như trước đây) sẽ giúp học sinh giảm áp lực về điểm số - thành tích, giúp các em hứng thú học tập hơn.
Tuy nhiên, do học kỳ đầu tiên triển khai đại trà nên kết quả thực hiện chưa được như mong đợi, nhiều giáo viên còn than phiền hoặc ngấm ngầm làm việc theo kiểu đối phó, khiến phụ huynh học sinh chưa thật hiểu tinh thần của Thông tư 30 nên gây nhiều áp lực tới các cấp quản lý. “Một bộ phận thầy cô giáo không muốn thay đổi, vẫn thích làm việc theo nếp cũ, đây là một thách thức mà ngành GD phải vượt qua”, đại diện Sở GD&ĐT Yên Bái nhận xét.
Một số đại biểu khác cho rằng, năng lực của giáo viên tiểu học hiện còn thấp cũng là một rào cản. “Trong kỳ sơ kết học kỳ I vừa qua, tất cả các quận/ huyện của chúng tôi đều cho biết giáo viên rất lúng túng khi phải nhận xét học sinh. Mặc dù họ có thể nhận xét bằng lời nói một cách dõng dạc, nhưng để viết ra nhận xét đó một cách chuẩn mực thì giáo viên lại e dè, thiếu tự tin. Áp lực tâm lý về việc ghi sổ sách vẫn còn, nhiều người cứ lo mình ghi như thế chưa đủ, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Đặng Minh Hằng, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết.
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa kể: “Khi tôi hỏi chuyện một học sinh thì em cho biết hôm đó em không cần học bởi mỗi ngày cô giáo chỉ nhận xét 5 - 6 bạn trong lớp mà em thì chưa đến lượt”. Bà Lý còn bày tỏ lo ngại trước hiện tượng đối phó của một số giáo viên: “Khi đi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng sao chép khi nhận xét học sinh của giáo viên. Chẳng hạn cùng với một học sinh A, môn Địa lý nhưng giữa nhận xét cuối tháng với nhận xét cuối kỳ có sự mâu thuẫn. Hóa ra là do vốn từ hạn chế nên cô giáo chỉ dùng đi dùng lại mấy mẫu câu ghi nhận xét cho từng học sinh trong lớp, việc nhận xét lại thực hiện một cách đối phó nên cô ngồi ghi hàng loạt nhận xét cùng một lúc, thành thử nội dung nhận xét của cô không phù hợp với năng lực thực tế của học sinh”.
Giáo viên cần được giúp đỡ
Hầu hết các đại biểu khi phát biểu đều cho rằng, sự thành công của việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên. Các thầy cô nhận thức đúng về yêu cầu đổi mới đánh giá chưa đủ, quan trọng là họ thực hiện như thế nào! Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT, việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh không chỉ tác động tích cực tới quá trình học tập của mỗi học sinh mà còn đòi hỏi giáo viên phải tự rèn luyện, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, vì thế giúp cho năng lực của chính giáo viên ngày càng tiến bộ hơn. Vấn đề là các cấp quản lý cần phải giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên, đưa ra các giải pháp kỹ thuật để thực thi việc đánh giá bằng nhận xét có chất lượng.
Nhiều đại biểu cũng đã chia sẻ cách làm của địa phương mình. Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Dù năm nay mới đổi mới đánh giá ở diện đại trà nhưng thực tế các địa phương đã triển khai tại các đơn vị thí điểm VNEN (mô hình trường học mới - PV) từ năm học 2012 - 2014. Theo yêu cầu thí điểm, các địa phương đã thiết kế các bộ công cụ - hồ sơ đánh giá cho các giáo viên sử dụng. Thanh Hóa chúng tôi đã gom tất cả các hồ sơ, sổ sách vào một công cụ là cuốn “Sổ theo dõi chất lượng giáo dục”. Mỗi lớp chỉ có một cuốn này, dùng cho cả giáo viên chủ nhiệm lẫn giáo viên bộ môn. Mỗi giáo viên khi lên lớp chỉ việc giở cuốn này ra, ghi chép vào đúng phần của mình. Điều này đã giải phóng cho các thầy cô khỏi việc ghi chép quá nhiều vào quá nhiều sổ sách khác nhau”.
Một số đại biểu cũng cho rằng Bộ GD&ĐT nên nhìn nhận, xem xét lại cường độ làm việc của giáo viên hiện nay có hợp lý với yêu cầu của đổi mới đánh giá hay không! “Thực hiện đổi mới đánh giá học sinh khiến giáo viên vất vả hơn là điều đã được dư luận nói tới nhiều trong thời gian qua. Sự vất vả không chỉ vì thực hiện cái mới mà còn do một số quy định chưa đổi mới theo kịp Thông tư 30: quy định về định mức biên chế ở tiểu học hiện nay là 1,2 giáo viên/lớp với trường học 1 buổi/ ngày và 1,5 giáo viên/lớp với trường học 2 buổi/ ngày; quy định chế độ làm việc với giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần bao gồm 3 tiết chủ nhiệm. Nếu bắt thầy cô làm thì họ vẫn làm được, nhưng vì tính hiệu quả và sự mong đợi của xã hội thì Bộ GD&ĐT nên tham mưu điều chỉnh”, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất.