Liên minh châu Phi hi vọng ông Mbeki, người từng giúp thiết lập hòa bình tại Bờ Biển Ngà, có thể tháo gỡ bế tắc chính trị cho đất nước Tây Phi này.
Tổng thống đương nhiệm Laurent Gbagbo tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức chính thức tại dinh tổng thống lúc 13g30 (GMT) ngày 4-12. Khoảng 90 phút sau đó, ứng viên phe đối lập, cựu thủ tướng Alassane Ouattara cũng tuyên bố với báo chí rằng ông đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước này, và bắt đầu thành lập chính phủ song song, bổ nhiệm thủ tướng và tổ chức nội các.
Tuần trước, cuộc bầu cử tổng thống tại Bờ biển Ngà đã diễn ra trong điều kiện an ninh được thắt chặt với lệnh giới nghiêm được áp đặt nhiều ngày trước, trong, và sau bầu cử. Hôm 2-12, ủy ban bầu cử Bờ Biển Ngà công bố ông Ouattara thắng cử với 54,1 % số phiếu ủng hộ, trong khi tổng thống đương nhiệm Gbagbo chỉ đạt 45,9%. Tuy nhiên, tòa án hiến pháp của Bờ biển Ngà, cơ quan quyết định kết quả bầu cử, lại bác bỏ tuyên bố của ủy ban bầu cử.
Trong buổi họp báo về kết quả bầu cử vào hôm 3-12, chủ tịch ủy ban hiến pháp Bờ Biển Ngà, ông Paul Yao công bố ông Gbagbo thắng cử khi giành được 51,45% số phiếu bầu, trong khi ông Ouattara giành được 48,55%. Tòa án hiến pháp tuyên bố kết quả do Ủy ban bầu cử tuyên bố ngày 2-12 là không có giá trị, sau khi tòa án hủy bỏ hàng loạt phiếu tại miền nam Bờ Biển Ngà do có cáo buộc bị lực lượng phiến quân gian lận.
Phản ứng từ bên ngoài
Ông Gbagbo, hiện được quân đội ủng hộ, đã tuyên thệ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, cam kết không để người ngoài “can thiệp” vào mọi mặt của nước này. Trong khi đó, ông Ouattara lại nhận được sự ủng hộ của một số nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Pháp, Liên Hiệp Quốc (LHQ), Quỹ tiền tệ quốc tế... Hãng tin ABC.net cho biết cộng đồng quốc tế và nhiều nước phương Tây đã hỗ trợ tài chính cho cuộc bầu cử được cho là tốn kém nhất tại Bờ Biển Ngà từ trước đến nay.
Kết quả cuộc bầu cử do ủy ban bầu cử tuyên bố đã được ông Y.J. Choi, đặc phái viên Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Bờ Biển Ngà chứng nhận. Ông Choi cho biết đã nhận hầu hết các bản copy đếm phiếu bầu từ các điểm bỏ phiếu. Theo ông Choi, ngay cả khi có thông tin gian lận phiếu bầu, tòa án hiến pháp cũng không nên thay đổi kết quả bầu cử mà ủy ban bầu cử đã tuyên bố, vì hành động trên khiến nỗ lực tái thống nhất Bờ Biển Ngà gặp khó khăn. LHQ cũng đã chấp nhận kết quả ông Ouattara thắng cử và từ chối kết quả mà tòa hiến pháp Bờ Biển Ngà công bố.
Trong lúc này, bạo động đã xảy ra ở nhiều thị trấn nhỏ của Bờ Biển Ngà từ hôm 3-12. Trước khi kết quả bầu cử được tuyên bố một ngày, văn phòng làm việc của ông Ouattara tại thủ đô Abidjan đã bị tấn công và ít nhất bốn người thiệt mạng. Tổng cộng, có ít nhất 15 người thiệt mạng liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống. Bờ Biển Ngà đã đóng cửa biên giới và ngưng các hoạt động truyền thông quốc tế. Lệnh giới nghiêm vẫn được duy trì đến cuối tuần này.
Theo Kim Dung
Sài Gòn tiếp thị/BBC, Reuters