BNP Paribas sở hữu toàn bộ liên doanh chứng khoán Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - BNP Paribas đã được chấp thuận thành lập một công ty chứng khoán mà ngân hàng sở hữu hoàn toàn tại Trung Quốc. Đây là sự chấp thuận pháp lý đầu tiên cho loại hình kinh doanh này sau nhiều tháng, khi ngân hàng lớn nhất khu vực đồng euro đẩy mạnh nỗ lực thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính Trung Quốc.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo đã phê duyệt hoạt động kinh doanh chứng khoán của BNP Paribas tại Thượng Hải với vốn đăng ký 1,1 tỷ nhân dân tệ (150 triệu đô la Mỹ).

Hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm môi giới, kinh doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản chứng khoán, theo CSRC cho biết.

BNP Paribas sở hữu toàn bộ liên doanh chứng khoán Trung Quốc ảnh 1

Kể từ năm 2021, Trung Quốc cho phép các ngân hàng nước ngoài sở hữu hoàn toàn hoạt động chứng khoán của họ tại Trung Quốc, thay vì yêu cầu liên doanh với đối tác Trung Quốc như trước đây.

Kể từ đó, một số ngân hàng Mỹ và các đối thủ khác như Standard Chartered đã nộp đơn xin mua lại phần vốn của đối tác hoặc thành lập công ty môi giới mà họ hoàn toàn kiểm soát, và đã được chấp thuận từng bước.

Ba năm trước, JPMorgan và Goldman Sachs là hai trong số những ngân hàng đầu tiên tận dụng quy định mới này, là một phần trong quá trình Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính, bao gồm cấp các giấy phép quản lý tài sản cho các công ty phương Tây.

Sau khi nộp đơn đăng ký vào năm 2021, BNP đã xác nhận nhận được sự chấp thuận vào thứ Hai tuần trước.

“BNP Paribas hoan nghênh quyết định của các cơ quan quản lý Trung Quốc, và duy trì cam kết khai thác các cơ hội tăng trưởng tại thị trường mà ngân hàng đã có mặt lâu năm,” BNP cho biết, nhấn mạnh việc họ sẽ phục vụ cả khách hàng Trung Quốc và quốc tế.

Tuy nhiên, sự chấp thuận đến khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và hoạt động tài chính sụt giảm, cùng việc phát hành cổ phiếu ra nước ngoài giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2003.

Hoạt động IPO cũng giảm mạnh tại thị trường chứng khoán trong nước, nơi các công ty môi giới nhà nước như Citic và CSC Financial chiếm ưu thế.

Căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung leo thang cũng khiến các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc trở nên thận trọng hơn.

Động thái của BNP đánh dấu nỗ lực mới nhằm thâm nhập thị trường Trung Quốc sau khi liên doanh tiên phong với công ty địa phương Changjiang Securities thành lập năm 2003 đã tan vỡ sau 4 năm.

Ngân hàng đã rút khỏi công ty liên doanh, bán đi 33% cổ phần cho Changjiang, theo một nguồn tin thân cận lúc bấy giờ, do bất đồng chiến lược và vấn đề bổ nhiệm nhân sự.

Hiện BNP nắm 13,8% cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Thành phố Nam Kinh, thấp hơn mức ban đầu là 19% mua năm 2005. BNP cũng có liên doanh quản lý tài sản với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, nơi họ nắm 51% cổ phần.

BNP Paribas sở hữu toàn bộ liên doanh chứng khoán Trung Quốc ảnh 2

Sự mở rộng của BNP tại Trung Quốc diễn ra khi ngân hàng của Pháp này cũng đang sử dụng phần tiền mặt còn sót lại từ doanh thu 16,3 tỷ USD khi bán đi Bank of the West ở Mỹ, cho mục đích mua lại các công ty cỡ nhỏ và vừa.

Sự mở rộng của BNP tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ngân hàng Pháp cũng đang sử dụng số tiền mặt còn lại từ việc bán Bank of the West ở Mỹ với giá 16,3 tỷ USD, nhằm mua lại các công ty nhỏ và vừa.

Vào Chủ nhật tuần trước, BNP thông báo đã đồng ý mua lại 9% cổ phần của công ty bảo hiểm Bỉ Ageas từ Tập đoàn Fosun của Trung Quốc với giá 730 triệu EUR.

MỚI - NÓNG