Black Panther 2 - Màn tri ân rực rỡ tới người hùng đã mất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Black Panther: Wakanda Forever (Chiến binh báo đen: Wakanda bất diệt - đạo diễn Ryan Coogler) đang thống trị phòng vé toàn cầu, là phần tiếp theo của Black Panther, cũng là tác phẩm tri ân dành cho siêu sao Chadwick Boseman - từng thủ vai nhân vật Black Panther trong những bộ phim trước, qua đời do căn bệnh ung thư đại tràng vào năm 2020.

Từ làn sóng mới siêu anh hùng da màu

Tuy xuất hiện trong bộ phim Captain America: Civil War (Nội chiến siêu anh hùng, 2016), nhưng nhân vật Black Panther mới chính thức được khai thác trong phần phim riêng (năm 2018) và đem lại làn sóng mới cho thể loại phim siêu anh hùng dưới màu da khác.

Black Panther 2 - Màn tri ân rực rỡ tới người hùng đã mất ảnh 1

Cố siêu sao Chadwick Boseman trong vai vua T’challa bất diệt trong lòng người hâm mộ. Ảnh: Marvel Studio

Xuất hiện trong một thế giới điện ảnh nơi siêu anh hùng da trắng chiếm đa số, Black Panther (với diễn xuất của Chadwick Boseman) trở thành tấm gương của biết bao đứa trẻ da màu trên thế giới, để chúng có thể nhìn vào và nói: “đây chính là tớ!”. Không chỉ vậy, Black Panther còn đại diện cho ước mơ tự do và bình đẳng của người da màu trong thế giới nơi nạn phân biệt chủng tộc diễn ra hằng ngày. Bộ phim còn phổ biến nền văn hóa và con người châu Phi thông qua chủ nghĩa Afrofuturism (tạm dịch là Thuyết vị lai châu Phi) sinh động và rực rỡ tới khán giả đại chúng.

Afrofuturism có thể hiểu là một mỹ học văn hóa kết hợp các yếu tố khoa học - công nghệ, lịch sử và giả tưởng để khám phá văn hóa của người Mỹ gốc Phi, đồng thời kết nối với những người thuộc các nền văn hóa châu Phi bị phân tán và lãng quên. Chính vì yếu tố quan trọng này, Black Panther nhận được 3 giải Oscar trong số 7 đề cử năm 2019, trong đó có 2 giải thuộc hạng mục Thiết kế Trang phục và Thiết kế Sản xuất.

Đến màn tri ân rực rỡ

Black Panther 2 - Màn tri ân rực rỡ tới người hùng đã mất ảnh 2

Đội quân Dora Milaje vẫn luôn là những nữ chiến binh hùng mạnh. Ảnh: Marvel Studio

Với những tiêu chuẩn cao vút được đặt ra trong phần phim đầu tiên, nhiều người lo ngại rằng Black Panther: Wakanda Forever (2022) sẽ không thể vượt qua cái bóng khổng lồ trước đó. Tuy nhiên, có thể nói đây là phần phim hậu truyện xứng đáng để tri ân di sản mà siêu sao Chadwick Boseman (vai nhà vua T’challa) để lại.

Người phụ nữ trong phim hiện lên thật đặc biệt. Gia đình hoàng gia Wakanda mất đi những người đàn ông, để lại Hoàng hậu Ramonda và cô Công chúa nổi loạn Shuri. Nhân vật Hoàng hậu Ramonda được phát triển có chiều sâu hơn hẳn phần phim trước: Giờ đây bà phải vừa gồng gánh đất nước, vừa đối mặt với nỗi đau mất chồng và con trai. Vừa cứng rắn trước những kẻ ngoại bang đang lăm le tài nguyên quý giá của quốc gia, vừa là một người mẹ ân cần giúp đỡ con gái vượt qua nỗi đau mất mát. Một sự mạnh mẽ đến nhường nào, cho tới phân cảnh cuối cùng bà vỡ òa và xả hết nỗi lòng khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn liên tục ập đến. Nếu đây không phải là một điển hình về sức mạnh và trái tim của phái nữ thì tôi không biết còn ví dụ nào khác nữa. Ngoài ra, đội quân Dora Milaje vẫn luôn là những nữ chiến binh hùng mạnh trong vũ trụ phim Marvel, trong đó nhân vật Okoye tiếp tục tỏa sáng.

Black Panther áp dụng đặc biệt thành công chủ nghĩa Afrofuturism vào thiết kế trang phục, trang sức, và cả kiến trúc của người dân Wakanda. Đất nước Phi châu này hiện lên màn bạc đầy sống động và rực rỡ sắc màu với một vẻ ngoài vừa lạ lẫm vừa quen thuộc thông qua sự kết hợp mượt mà giữa các giá trị văn hóa truyền thống hiện hữu và trí tưởng tượng về một thế giới tương lai.

Là một người châu Á, tôi cảm thấy ghen tị với người da đen khi bộ phim siêu anh hùng của chủng tộc họ lại được làm kỹ đến từng chi tiết nhỏ, từ nét hoa văn trên từng bộ trang phục hay vũ khí, cho đến một bảng chữ cái dành cho riêng người Wakanda. Yếu tố văn hóa trong bộ phim về siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Marvel là Shang-chi lại được xây dựng hời hợt, nghèo nàn và còn đầy rẫy khuôn mẫu định kiến. Tại sao đến năm 2022 rồi nhưng hình ảnh người châu Á vẫn còn theo mô típ những con người bí ẩn sống trong rừng tre và cách xa với phần còn lại của thế giới? Đó là chưa kể đến phần thiết kế trang phục lẫn đời sống văn hóa vô cùng sơ sài của người châu Á trong Shang-chi.

Black Panther: Wakanda Forever không lợi dụng cái chết của ngôi sao Chadwick Boseman để câu nước mắt người xem. Những phân đoạn tri ân Boseman ngắn ngủi nhưng đủ để gây nặng lòng cho khán giả. Một cách làm phim văn minh và hiệu quả.

Cũng có những lời chê đến từ người xem thông thường về bộ phim này. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự chê bai đó không đến từ nội dung phim, mà là từ sự thiếu nhận thức và cảm thông tới các vấn đề thực tế mà người da màu phải đối diện hằng ngày. Black Panther:Wakanda Forever đủ hay để kết thúc một giai đoạn phim của Marvel, đồng thời đối mặt với những cảm xúc chân thực đến từ cái chết của cả diễn viên lẫn nhân vật của anh. Chadwick Boseman sẽ luôn nhận được sự kính trọng của mọi người, vì anh đã hóa thân thành một người hùng cao cả trong lòng thế hệ trẻ da màu và ở đó anh sẽ luôn bất diệt.

Ngay trong ngày đầu công chiếu 11/11, Black Panther: Wakanda Forever thống trị phòng vé với 84 triệu USD riêng tại Mỹ. Bộ phim được dự đoán sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục về doanh thu, với hy vọng có thể sánh ngang Black Panther trước đó (2018), với 1,38 tỷ USD tiền vé.

MỚI - NÓNG