Bịt kẽ hở tiêu cực

Dự án đê tả sông Hồng (Hưng Yên) cuối năm 2012 phải bàn giao nhưng nay mới chỉ thực hiện được trên 10% khối lượng
Dự án đê tả sông Hồng (Hưng Yên) cuối năm 2012 phải bàn giao nhưng nay mới chỉ thực hiện được trên 10% khối lượng
TP - Việc chỉ định thầu những công trình đầu tư công cả ngàn tỷ đồng, là kẽ hở lớn cho tiêu cực, lãng phí nảy nở. Bởi thế, tới đây cần loại bỏ quy định này khi sửa Luật đấu thầu. Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam trả lời Tiền Phong.

> Bài 3: Chọn ai, chủ đầu tư không biết
> Bài 2: Chuyện dự án đội vốn 1.200 tỷ đồng
> Bài 1: Ngổn ngang dự án ngàn tỷ

Ông Vũ Khoa
Ông Vũ Khoa.

Ông Vũ Khoa nói: "Qua kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố, vấn đề chỉ định thầu trong thời gian vừa qua rát đáng báo động tại các dự án đầu tư hạ tầng ở các địa phương.

Trong Luật đấu thầu, có nói rõ những trường hợp chỉ định thầu, nhưng ở đây có dấu hiệu của việc lạm dụng dự án công trình cấp bách để được chỉ định thầu.

Nên nhiều dự án mà báo chí nêu không thuộc diện cấp bách hay liên quan bí mật quốc gia, cũng được chỉ định thầu. Hậu quả là nhiều công trình cấp bách nhưng chậm tiến độ, giải ngân nhiều nhưng thi công ít, hết sức thiếu minh bạch...".

Theo ông việc chỉ định thầu tràn lan như vậy có tác hại gì?

Chỉ định thầu tràn lan, nhưng tôi thấy kết luận thanh tra cũng chỉ đặt vấn đề kiểm điểm. Cần phải làm rõ hậu quả của việc chỉ định thầu này, chất lượng công trình ra sao, có việc chỉ định thầu để dễ bề tham nhũng, tiêu cực không, có vi phạm luật pháp về đấu thầu không?

Khi tôi đi vào Tiền Giang và Bến Tre, một tổng công ty xây dựng giao thông được giao thầu một gói thầu khoảng 700 tỷ. Đây là dự án xây dựng một cây cầu bình thường ở địa phương, không có lý do gì cấp bách hay bí mật quốc gia, nhưng vẫn chỉ định thầu.

Cái đó liên quan đến sự minh bạch trong xây dựng, không có giao thầu khó có thể tham nhũng. Vì giao thầu chắc chắn là có "cho, xin" thì dễ nảy sinh tiêu cực. Tới đây sửa Luật Đấu thầu, theo tôi, không nên để Chính phủ quyết định một vấn đề gì nằm ngoài luật. Tất cả cần được quy định cụ thể trong luật.

Để khắc phục tình trạng chỉ định thầu tràn lan, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực, theo ông cần phải làm gì?

Kẽ hở lớn nhất là việc giám sát. Cần phải có cơ chế thực hiện giám sát riêng với công trình chỉ định thầu. Ví dụ về thời gian, nhiều dự án, công trình, gói thầu lấy lý do cấp bách cần làm ngay nhưng khi xin được cơ chế chỉ định thầu xong, cả năm sau mới khởi công.

Có công trình khởi công rồi nhưng không bố trí đủ vốn... Điều này phải có quy định cụ thể và cơ chế giám sát minh bạch. Không thể để tình trạng buông xuôi cho người ta lách luật như hiện nay, Bộ KH&ĐT chỉ tham mưu để Thủ tướng ký là xong, còn ở dưới muốn làm thế nào thì làm.

Phải có chế độ báo cáo, như trong thời gian 90 ngày phải báo cáo tiến độ. Báo cáo, giám sát và phân cấp giám sát, cái nào của bộ ngành, cái nào của Chính phủ, cái nào thuộc trách nhiệm địa phương.

Ngoài ra, phải có chế tài với các chủ thể. Hiện chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh. Chế tài đối với chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan tham mưu... Không thể để tình trạng lách luật, chỉ định thầu những công trình có giá trị vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỷ như vậy được.

Dự án đê tả sông Hồng (Hưng Yên) cuối năm 2012 phải bàn giao nhưng nay mới chỉ thực hiện được trên 10% khối lượng
Dự án đê tả sông Hồng (Hưng Yên) cuối năm 2012 phải bàn giao nhưng nay mới chỉ thực hiện được trên 10% khối lượng.

Ông đánh giá thế nào khi việc chỉ định thầu chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp mà năng lực không được đánh giá cao?

Cái này TTCP cũng đã chỉ ra những bất thường trong việc nhiều công trình chỉ định thầu rơi vào tay một số ít doanh nghiệp tư nhân. Phải khẳng định những công trình chỉ định thầu như đường sá, đê điều... không có đòi hỏi gì đặc biệt về kỹ thuật.

Những loại công trình này ở Việt Nam có hàng trăm nhà thầu rất mạnh, có thương hiệu nhưng lại không được chọn. Liệu ở đây các nhà thầu được chỉ định có hơn hẳn các nhà thầu khác không, hay họ có quan hệ gì, đó là thiệt thòi của các nhà thầu có năng lực.

Việc chỉ định nhà thầu năng lực yếu, dẫn đến lãng phí lớn. Chưa kể, hàng loạt dự án chọn thầu đều được điều chỉnh vốn đầu tư rất lớn, mà thẩm quyền điều chỉnh vốn lại do tỉnh quyết định, nên rất khó kiểm soát tiêu cực.

Xin cảm ơn ông.

Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Thủ tướng

Về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc tham mưu cho Thủ tướng về những dự án chỉ định thầu, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo gửi Thủ tướng. Khi nào có ý kiến của Thủ tướng, bộ sẽ có trả lời cụ thể.

Theo ông Tăng, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu rõ, việc chỉ định thầu một số công ty là trách nhiệm của chủ đầu tư, chứ không phải trách nhiệm của Bộ KH&ĐT (?). Phong Cầm

Ngọc Mai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.