> Cách nào phòng vi khuẩn ăn thịt người?
> Hàng chục người Việt Nam dính vi khuẩn ‘ăn thịt’ dễ tử vong
Từ năm 1962, ở Mỹ đã xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên với biểu hiện bệnh rất mệt mỏi, hoại tử da, cơ của chân, tay, mặt, gây sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca tử vong, với căn nguyên gây bệnh được xác định là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla (vi khuẩn ăn thịt người).
Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến 2011, đã có một số bệnh nhân lẻ tẻ nhập Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (khoảng 10 trường hợp) với chẩn đoán lâm sàng giống với bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydromonas (AH) gây ra.
Vi khuẩn AH là trực khuẩn Gram âm cho nên chúng có khả năng gây bệnh nặng như bao trực khuẩn Gram âm khác (vi khuẩn hoại thư sinh hơi, Salmonella, Shigella, E.coli, P. aeruginosa,). Ngoài ra, vi khuẩn AH còn có ngoại độc tố giống vi khuẩn tả cho nên khi người bị bệnh đường tiêu hóa thì có bệnh cảnh lâm sàng giống như bệnh tả thể nhẹ.
Điều đáng lưu ý là AH có thể lưu hành trong nước ngọt, nước lợ bẩn, nước bùn, hoặc cống rãnh, chủ yếu gây bệnh cho cá, tôm, ếch nhái, bò sát và rất ít khi gây bệnh cho người. Vì vậy, không nên quá lo ngại mà cần bình tĩnh phòng bệnh, chủ yếu đối với những đối tượng có nguy cơ cao (da có xây xước, mụn, lở loét và tiếp xúc với nguồn nước bẩn…).
Khi người bị nhiễm AH, chúng gây tiêu chảy giống bệnh tả nếu do uống phải nước bẩn nhiễm AH hoặc độc tố của chúng tiết ra. Sau khi qua đường ruột, vi khuẩn AH gây nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng, đặc biệt ở người bị suy giảm miễn dịch.
Thể bệnh điển hình là vi khuẩn AH nhiễm trùng qua da gây hoại tử da, cân cơ, cơ, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng và có nguy cơ tử vong. Ngoài ra có thể gây nhiễm trùng đường mật dẫn đến nhiễm trùng huyết ở các bệnh nhân xơ gan. Tuy vậy, con người rất khó nhiễm khuẩn AH, ngoại trừ những người bị suy giảm miễn dịch.
Muốn khẳng định một cách chắc chắn là bệnh do vi khuẩn AH gây ra thì phải nuôi cấy và phân lập được vi khuẩn hoặc xác định vi khuẩn AH bằng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR). Vi khuẩn AH còn nhạy cảm với các loại kháng sinh thông dụng như Sulfamid, Chloramphenicol, Tetacyclin, Ciprfloxacine, tuy vậy, chúng có khả năng kháng lại một số kháng sinh họ Penicillin và Cephalosphorin (Cephalothin). Vi khuẩn AH dễ bị tiêu diệt bởi các loại hóa chất diệt khuẩn.
Để đề phòng bệnh thì nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên da có xây xước, lở loét, mụn nhọt hoặc vết thương. Cần vệ sinh môi trường nước, đặc biệt là không để môi trường nước bị nhiễm bẩn. Và thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.