Bình Thuận mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển, nâng cấp nhiều đô thị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Bình Thuận sẽ sáp nhập thị trấn Phú Long của huyện Hàm Thuận Bắc vào thành phố Phan Thiết và phát triển thêm 2 đô thị gồm thị trấn Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, thị trấn Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40 - 45%. Tỷ lệ đất xây dựng trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9%.

Bình Thuận mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển, nâng cấp nhiều đô thị ảnh 1

Đến năm 2025, Bình Thuận phát triển thêm đô thị Phú Quý và nâng loại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong và thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh từ đô thị loại V lên loại IV. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Đến năm 2025, toàn tỉnh Bình Thuận có 15 đô thị. Trong đó có một đô thị loại II là thành phố Phan Thiết; một đô thị loại III là thị xã La Gi; ba đô thị loại IV là thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu; mười đô thị loại V là Chợ Lầu, Lương Sơn, Phú Long, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Đức Tài, Phú Quý.

Trong giai đoạn này, Bình Thuận phát triển thêm đô thị Phú Quý và nâng loại thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) và thị trấn Võ Xu (huyện Đức Linh) từ đô thị loại V lên loại IV.

Đến năm 2025, sẽ có 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các khu vực nội thị của các đô thị loại III trở lên. Phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45 - 50%. Tỷ lệ đất xây dựng trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Toàn tỉnh Bình Thuận sẽ có 16 đô thị, trong đó phấn đấu có một đô thị loại I là thành phố Phan Thiết; một đô thị loại III là thị xã La Gia phấn đấu trở thành thành phố La Gi; ba đô thị loại IV là thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu; 11 đô thị loại V là Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Đức Tài, Vĩnh Tân, Sơn Mỹ, Phú Quý.

Bình Thuận mở rộng thành phố Phan Thiết, phát triển, nâng cấp nhiều đô thị ảnh 2

Đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận sẽ có 16 đô thị, trong đó phấn đấu có một đô thị loại I là thành phố Phan Thiết. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Thuận sẽ sáp nhập thị trấn Phú Long của huyện Hàm Thuận Bắc vào thành phố Phan Thiết và phát triển thêm 2 đô thị gồm thị trấn Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, thị trấn Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bình Thuận đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn có việc xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành và xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, vào ngày 31/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Bình Thuận về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội xã hội. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bình Thuận nghiên cứu theo hướng mở rộng thành phố Phan Thiết, vì hiện thành phố này rất nhỏ bé, có thể sáp nhập huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.