Ngày 19/6, ông P. D (ngụ TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, cách đây 3 ngày ông cùng con trai 5 tuổi đến chùa Châu Thới thuộc KP. Châu Thới, phường Bình An, TX. Dĩ An, Bình Dương để tham quan. Tại đây, con trai ông D bị bầy khỉ trong khu vực chùa tấn công gây thương tích nặng ở tay và chân.
Do sự việc xảy ra ở chùa nên ông D. không dám phản ánh với ai mà tự đưa con đến bệnh viện chữa trị vết thương. Trong khi đó, lãnh đạo phường Bình An cho hay đơn vị này đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân liên quan đến việc khỉ tại chùa Châu Thới tấn công gây thương tích cho người dân.
Trước đó, ông Đ. H. S, nhân viên bảo vệ Khu tái định cư Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng bị khỉ trên núi Châu Thới tấn công. Khi đó, ông Sơn từ nhà người quen dưới chân núi Châu Thới đi ra thì bất ngờ bị một con khỉ đực “phục kích” cắn vào đùi và tay phải gây chảy máu nhiều. Sau đó, ông S. phải đến cơ sở y tế băng bó vết thương và tiêm ngừa dại.
Tương tự, ông P. Q. G. (62 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) làm việc trong một công ty khai thác đá gần chùa Châu Thới cũng bị khỉ tấn công gây thương tích nặng phải nhập viện điều trị.
Theo trình bày của ông Giang, khi ông vào kho vật liệu nổ của công ty để kiểm tra thì một con khỉ nặng khoảng 15kg từ trên mái nhà bất ngờ nhảy xuống cắn vào đầu ông. Sau đó con khỉ này tiếp tục cắn vào tay ông. Mặc dù ông đã khống chế và ném con khỉ này ra xa nhưng con khỉ vẫn tiếp tục xông vào tấn công khiến ông Giang bị thương nặng.
“Khu vực núi Châu Thới có khoảng 40 con khỉ. Một số du khách đến viếng chùa cho khỉ ăn rồi chọc ghẹo dẫn đến bị cắn. Thời gian qua, UBND phường cũng đã tiếp nhận phản ánh của người dân và du khách bị khỉ tấn công”, ông Huỳnh Văn Tiếng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An cho biết.
Liên quan đến việc khỉ tấn công người dân gây thương tích, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị này đã trình phương án di dời đàn khỉ trên núi Châu Thới cho cơ quan chức năng xem xét phê duyệt. Theo đó, việc di dời đàn khỉ được chia làm 4 đợt, do đơn vị chuyên môn thực hiện trong khoảng 63 ngày.
Trong khi đó, Thượng tọa Thích Huệ Thông - Trụ trì chùa Châu Thới cho rằng: “Cơ quan chức năng có kế hoạch di dời đàn khỉ, nhưng không khả thi. Bởi đàn khỉ đã quá quen với môi trường sống trên núi Châu Thới. Do đó, việc di chuyển khỉ sang nơi khác, chúng sẽ không thích nghi."
Quần thể núi Châu Thới ở Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Trên núi Châu Thới có hai loài khỉ là khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) và khỉ đuôi lợn (Macaca leonina). Theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22/1/ 2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, hai loài khỉ trên là loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IIB - Nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.