> Nhạc sĩ Phú Quang nói về tình đầu và tình ca
> Quốc Trung: ‘Một là bỏ qua, hai là… bỏ đi!’
Bùi Công Duy lý giải sự đổi vai của mình:
-Tôi nghĩ không được lặp lại chính mình. Năm ngoái tôi là người Việt Nam duy nhất biểu diễn ở Mobifone Concert, năm nay lại như thế tự thấy nhàm. Lần này tôi làm giám đốc nghệ thuật, tổ chức chương trình và mời nghệ sỹ nước ngoài tới biểu diễn, hầu hết họ đều là bạn tôi.
Cụ thể anh mời những tên tuổi nào?
Họ đều là những nghệ sỹ nổi tiếng thế giới. Cặp song tấu- nghệ sĩ violin Maxim Fedotov và nghệ sĩ piano Galina Petrova kết hôn năm 1992 được các nhà phê bình đánh giá là một trong những cặp song tấu hài hòa nhất đương đại. Tạp chí Tự do của Nga nói về họ: “Những nghệ sĩ với tinh thần của mãnh hổ”, “Song tấu hay nhất Moscow”.
“Nhạc cổ điển không chỉ diễn ra ở nhà hát. Mới đây tôi chứng kiến rất đông người- từ những ông đi xe hơi sang trọng tới đạp xích lô, bán hàng rong chen chúc nghe giao hưởng bên hè đường Lý Thái Tổ. Quan trọng là cổ điển phải ra cổ điển, đừng pha trộn nửa mùa”. |
Năm 2002 Maxim Fedotov được công nhận là Nghệ sỹ Nhân dân Nga. Cùng với sự nghiệp độc tấu violin, ông còn là nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Nga từ năm 2003-2005 và giám đốc nghệ thuật, chỉ huy trưởng Dàn nhạc giao hưởng thành phố Moscow từ năm 2006-2010. Còn Galina Petrova được mệnh danh “Nghệ sỹ độc tấu piano tuyệt vời với khả năng kết hợp với tri thức âm nhạc và say mê nghệ thuật” .
Đầu bè viola - nghệ sỹ Nicolai Moller Nielsen người Đan Mạch - từ 2005 đến 2012 là bè trưởng của Dàn nhạc thính phòng Moscow Soloists. Năm 2009 thu âm CD của dàn nhạc này đã nhận được giải thưởng Grammy.
Phía Việt Nam sẽ có nhóm Hà Nội Ensemble - gồm 10 nghệ sỹ thường xuyên chơi trong các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Là giám đốc nghệ thuật, anh có sự thỏa hiệp nào cho những tác phẩm âm nhạc cổ điển vốn rất bác học trở nên dễ nghe hơn với khán giả Việt Nam?
Chủ đề xuyên suốt của buổi hòa nhạc Những giai điệu vượt thời gian là bốn mùa, trong đó mùa xuân được chọn làm điểm nhấn. Âm nhạc cổ điển vốn mang tính bác học, không thể thỏa hiệp, không thể hạ thấp để đánh đổi, nhưng không có nghĩa là xa lạ với người nghe. Chúng tôi lựa chọn, biên tập những bản nhạc có giai điệu phù hợp với người Việt Nam, bình dân hóa nhưng vẫn giữ đỉnh cao. Trong đó có trích đoạn vở ballet Kẹp hạt dẻ, bản giao hưởng bốn mùa, có cả hòa tấu bài dân ca Bèo dạt mây trôi.
Chắc với quan niệm “bình dân hóa” mà Bùi Công Duy biểu diễn vỹ cầm trong chương trình của Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm?
Ở Việt Nam có thể thấy là lạ, nhưng ở nước ngoài thì bình thường thôi. Nhạc cổ điển đôi khi hơi đóng khung ở những nơi sang trọng nhưng nếu nhìn khách quan thì thế giới đi trước mình từ lâu.
Các nghệ sĩ cổ điển tham gia biểu diễn ở các sự kiện rất nhiều, thậm chí cả đám ma và đám cưới. Thể loại âm nhạc nào cũng có khán giả của nó, sự kết hợp giữa Bùi Công Duy với Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm sẽ hợp lý nếu nó đưa lại hiệu ứng tốt cho khán giả. Sự sáng tạo không có biên giới và chúng ta phải dám thử.
Việc so sánh nhạc cổ điển và nhạc thị trường thì ở Mỹ cũng có chênh lệch. Có nhạc cổ điển nào đọ lại được với lượng fan của Michael Jackson. Mặc khác ở Việt Nam sự nhìn nhận đánh giá về nghệ thuật còn nhiều vấn đề.
Không phải được trả nhiều tiền mới định giá được giá trị, nhưng được trả nhiều tiền cũng là một giá trị. Riêng tôi luôn tự hỏi mình đã làm hay chưa, đã đủ hấp dẫn để người ta xếp hàng mua vé chưa? Có những chương trình hòa nhạc tôi làm giá vé cũng rất cao mà người xem vẫn kín nhà hát.
Nhưng ở ta, các chương trình hòa nhạc cổ điển kể cả Mobifone Concert chủ yếu phát vé mời và người xem vẫn chưa có thói quen bỏ tiền mua vé?
Tôi nghĩ nên có thói quen mua vé xem nhạc cổ điển chứ không chỉ đi xem vì có vé mời. Nghệ sỹ để chơi được một tác phẩm cổ điển phải trải qua quá trình rèn luyện vất vả gian nan không có điểm dừng. Nhưng để người ta bỏ tiền ra mua vé phải có cách làm và nghệ sỹ phải có sức hút.
Chương trình “Những giai điệu vượt thời gian” do Mobifone tài trợ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) tối 4/4, Nhà hát lớn Hà Nội tối 6 và 7/4. |