BigC ngừng nhập hàng may mặc trong nước, doanh nghiệp Việt hoang mang

Doanh nghiệp may mặc phản đối quết định ngừng nhập hàng của BigC
Doanh nghiệp may mặc phản đối quết định ngừng nhập hàng của BigC
TPO - Chiều 3/7, hàng chục doanh nghiệp may mặc trong nước giăng băng-rôn biểu tình trước trụ sở văn phòng đại diện Central Group – đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC Việt Nam tại TPHCM do siêu thị bất ngờ ngừng nhập hàng dệt may của doanh nghiệp Việt.

Theo những người phản đối, họ là những nhà cung cấp sản phẩm dệt may cho hệ thống siêu thị này. Hôm nay (ngày 3/7), một số kho hàng của BigC từ chối nhận hàng của họ khiến hàng đã sản xuất ra không thể tiêu thụ.

Đại diện một công ty may cho biết, công ty có 300 nhân sự. Nếu BigC không nhập hàng thì thiệt hại rất lớn. “Để có hàng giao cho BigC, nhà cung cấp chuẩn bị hàng trước từ 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều nhưng BigC không nhập hàng nữa khiến chúng tôi rất bị động. Hôm nay công ty đã phải cho công nhân nghỉ việc. Không có việc làm, công nhân sẽ đi tìm nơi khác. Nếu tình trạng này kéo dài thì công ty rất dễ phá sản, trong khi chúng tôi đã đồng hành cùng BigC đã 20 năm rồi” – vị này cho biết.

BigC ngừng nhập hàng may mặc trong nước, doanh nghiệp Việt hoang mang ảnh 1 Thư gửi đối tác của Central Group

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết chưa nhận được thông báo nào từ BigC mà chỉ nghe thông báo “miệng” từ bộ phận thu mua của BigC.

Trước tình trạng lượng các nhà cung cấp kéo đến ngày một đông, đại diện BigC đã phải làm việc với các nhà cung cấp. BigC giải thích, do kế hoạch của doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình, nên tạm thời không nhận đơn hàng mới. Tuy nhiên vẫn sẽ nhận những đơn hàng đã đặt với nhà cung cấp. Những đơn hàng gặp vướng mắc sẽ được đơn vị này giải quyết cho nhập kho ngay.

BigC ngừng nhập hàng may mặc trong nước, doanh nghiệp Việt hoang mang ảnh 2 Rất nhiều nhà cung cấp tập trung tại văn phòng của Central Group tại TPHCM chiều ngày 3/7

Central Group Việt Nam cũng đưa ra cam kết sẽ gửi thông tin đến cho nhà cũng cấp ngay trong ngày hôm nay. Đồng thời sẽ có buổi gặp mặt riêng để giải thích về mô hình mới. “BigC cam kết không loại bỏ hàng may mặc đang chiếm tỷ trọng lớn trong mô hình kinh doanh của mình” - đại diện BigC khẳng định.

Trước đó, ngày 2/7, Central Group gửi thông báo đến các đối tác nêu rõ: “Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam”.

Lý giải cho động thái này, Tập đoàn Central Group cho rằng, đây là việc làm nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện truyền thông của BigC cho biết đang có sự hiểu lầm thông tin. Thông báo này của BigC chỉ áp dụng đối với một số nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. BigC không hoàn toàn dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ tất cả các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam. BigC tại Việt Nam sẽ có thông báo chính thức, giải thích rõ hơn về việc này.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện chưa có đầy đủ thông tin để cung cấp cho báo chí những chỉ đạo của Central Group đối với hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam về việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.