Biểu tình lớn ở Washington

Những người biểu tình nằm phản đối sự bất bình đẳng chủng tộc sau cái chết của George Floyd tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington. Ảnh: Reuters
Những người biểu tình nằm phản đối sự bất bình đẳng chủng tộc sau cái chết của George Floyd tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington. Ảnh: Reuters
TP - Hàng chục ngàn người tập trung tại Washington và các thành phố khác của Mỹ cuối tuần qua yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của các cơ quan thực thi pháp luật, sau cái chết của George Floyd dẫn đến biểu tình kéo dài.

Cuộc biểu tình trước đài tưởng niệm Lincoln và Nhà Trắng có số người tham gia lớn nhất ở Mỹ kể từ khi xuất hiện đoạn video cho thấy Floyd, người đàn ông da đen bị còng tay, nằm úp mặt và cố gắng thở khi một cảnh sát da trắng tì đầu gối trên cổ anh.

Hôm thứ Bảy (giờ Mỹ), người biểu tình tập hợp tại nhiều đô thị - trong đó có New York, Atlanta, Philadelphia, Chicago, Los Angeles, San Francisco, Boston và Miami - cũng như trong các cộng đồng nhỏ, khu vực nông thôn trên cả nước.

“Tôi cảm thấy mình đã trở thành một phần của lịch sử và là một phần của nhóm người đang cố gắng thay đổi thế giới” Jamilah Muahyman, cư dân Washington tham gia biểu tình gần Nhà Trắng nói với Reuters.

Một trong những cuộc biểu tình gây ngạc nhiên là tập hợp của 150 - 200 người ở thị trấn Vidor phía đông Texas, nơi nổi tiếng với những mối liên hệ lâu dài với Ku Klux Klan, tổ chức thượng tôn người da trắng ra đời từ thế kỷ 19, có tư tưởng cực đoan, tổ chức các hoạt động khủng bố nhằm vào người Mỹ gốc Phi.

Cái chết của Floyd ngày 25/5 đã làm dấy lên làn sóng biểu tình và xung đột giữa đại dịch coronavirus, đưa cuộc tranh luận gay gắt về công lý chủng tộc trở lại hàng đầu trong chương trình nghị sự ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11.

Ngoại trừ Seattle, nơi cảnh sát đã phải sử dụng lựu đạn gây lóa mắt, các cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Mỹ diễn ra khá ôn hòa so với trước đó.

Tuần qua bắt đầu với những vụ đốt phá, cướp bóc và phá hoại lẻ tẻ ở một số thành phố. Chính quyền và các nhà hoạt động nói phần lớn là do “những kẻ xúi giục bên ngoài” và các phần tử tội phạm.

Đôi khi cảnh sát đã dùng đến các chiến thuật nặng tay khi họ tìm cách thi hành lệnh giới nghiêm ở một số thành phố, bao gồm New York và Washington.

Cảnh sát chống bạo động có lúc đã dùng gậy giải tán đám đông  tụ tập có trật tự.

“Tôi chỉ hy vọng rằng thực sự có thay đổi từ những gì đang diễn ra. Mọi người đã quỳ xuống, phản đối và cầu xin trong một thời gian dài, và thế là đủ”, Kartrina Fernandez, 42 tuổi, một người biểu tình trước Nhà Trắng nói.

Cường độ của các cuộc biểu tình trong tuần qua đã bắt đầu giảm từ thứ Tư sau khi các công tố viên ở Minneapolis bắt giữ cả bốn sĩ quan cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd. Derek Chauvin, viên sĩ quan da trắng ghì cổ Floyd xuống đất trong gần chín phút khi nạn nhân tục rên rỉ  “Tôi không thở được” bị buộc tội giết người cấp độ hai.

Nhưng hôm thứ Bảy đánh dấu cuộc biểu tình lớn nhất liên quan đến vụ Floyd cho đến nay.

Đám đông, theo ước tính của Reuters là hàng chục ngàn người tụ tập tại thủ đô Washington, chấp nhận chịu rủi ro trong khi đại dịch coronavirus vẫn đang hoành hành ở Mỹ.

“Đặc biệt là một người da trắng, tôi được hưởng lợi từ tình trạng xã hội hiện nay, và vì vậy nếu không thể hiện và tích cực xóa bỏ phân biệt chủng tộc, tôi sẽ trở thành đồng lõa (với những kẻ phân biệt chủng tộc)”, Michael Muffond, 40 tuổi, một nhân viên chính phủ, giải thích lý do tham gia biểu tình.

Tang lễ Floyd theo dự kiến diễn ra vào thứ Ba tại Houston, nơi anh sống trước khi chuyển đến Minneapolis.

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói muốn triển khai 10.000 binh lính đến khu vực thủ đô Washington nhằm ngăn chặn biểu tình, theo một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ. Yêu cầu này của ông Trump, được đưa ra trong một cuộc thảo luận căng thẳng tại Nhà Trắng hôm thứ Hai tuần trước, cho thấy tổng thống Mỹ có thể thực sự muốn triển khai quân đội để giải tán biểu tình, bất chấp sự phản đối của lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mark Milley và Bộ trưởng Tư pháp William Barr phản đối việc triển khai quân đội, vị quan chức nói với điều kiện giấu tên. 

MỚI - NÓNG