Biểu tình Hong Kong rơi vào thời điểm nhạy cảm

Người biểu tình giúp nhau trong lúc đối đầu với cảnh sát. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình giúp nhau trong lúc đối đầu với cảnh sát. (Ảnh: Reuters)
TPO - Lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, hơi cay lại mù mịt trên phố phường Hong Kong.

Hôm 12/6, bạo lực nổ ra ở trung tâm tài chính quốc tế khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán biển người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Phong trào đỏi dân chủ năm 2014 sớm phải giải tán. Nhưng cuộc đấu tranh lần này có vẻ khó dập tắt hơn nhiều.

Bất mãn bùng nổ khi Trưởng đặc khu Carrie Lam để xuất dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc xét xử. Bà Lam và những người ủng hộ ở Bắc Kinh đã không dự đoán được sự phản kháng của dân Hong Kong sẽ lớn như thế nào.

Chiến dịch xuống đường gợi nhớ phong trào Chiếm đóng năm 2014 diễn ra dưới những tòa nhà chọc trời, nơi đặt văn phòng của nhiều ngân hàng và hãng môi giới quốc tế. Nhưng phong trào năm đó tập trung vào quyền dân chủ của người dân, nên Bắc Kinh có thể coi đó như một vấn đề địa phương.

Nhưng cuộc đấu tranh chống dự luật dẫn độ lần này mang ý nghĩa lớn hơn. Dự luật đó, nếu được thông qua, sẽ khiến bất kỳ ai ở Hong Kong, dù chỉ đi qua sân bay của đặc khu này, cũng đối mặt với rủi ro bị bắt đưa về Trung Quốc đại lục để xét xử.

Biểu tình Hong Kong rơi vào thời điểm nhạy cảm ảnh 1 Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đối phó với người biểu tình. (Ảnh: AFP)

Phong trào biểu tình lần này cũng diễn ra trong bối cảnh kinh tế nhạy cảm. Kinh tế Hong Kong đang phát triển chậm lại, còn Trung Quốc đang kẹt trong tiến trình đàm phán thương mại chưa thấy lối thoát với Mỹ.

Dự luật dẫn độ đã khiến các quan chức Mỹ đưa ra cảnh báo sẽ xem xét lại các đặc quyền dành cho Hong Kong nếu quyền tự trị về chính trị của thành phố này không còn. Nếu Mỹ làm như vậy, thương mại, xuất khẩu và thị trường tài chính ở xứ Cảng Thơm chắc chắn sẽ hứng đòn giáng mạnh.

Vẫn chưa rõ các lãnh đạo Trung Quốc, cho đến nay vẫn ủng hộ bà Lam, có tìm cách thoái lui hay không. Sau khi hàng trăm ngàn công dân tuần hành một cách hòa bình hôm Chủ nhật vừa qua, bà Lam vẫn cố thúc đẩy dự luật nhanh hơn, dẫn đến làn sóng biểu tình dữ dội hơn trong ngày 12/6.

Đối với những người biểu tình, thất bại lần này của họ có thể trở thành khoảnh khắc phân cực vĩnh viễn. Điều đó đúng không chỉ với những người trẻ phẫn nộ mà cả tầng lớp trung lưu Hong Kong, những người nhìn chung ít có xu hướng tập hợp lực lượng để đòi hỏi quyền bầu cử hoặc tự quyết.

Biểu tình Hong Kong rơi vào thời điểm nhạy cảm ảnh 2 Đường phố ở trung tâm Hong Kong trở nên hỗn loạn trong ngày 12/6. (Ảnh: Reuters)

Báo chí Trung Quốc gia tăng chỉ trích

Cảnh sát chống bạo động và người biểu tình Hong Kong đều đang chuẩn bị cho khả năng tiếp tục đối đầu trong ngày hôm nay, sau 1 ngày đụng độ bạo lực khiến 72 người bị thương.

Trong các bài xã luận đăng hôm nay, nhiều tờ báo chính thống của Trung Quốc lên án các cuộc biểu tình ở Hong Kong để phản đối dự luật dẫn độ đang “đập tan” danh tiếng của thành phố, và những vụ bạo động “vô pháp” đang làm suy yếu pháp quyền.

Biểu tình Hong Kong rơi vào thời điểm nhạy cảm ảnh 3 Phong trào biểu tình lần này của người dân Hong Kong có vẻ khó dập tắt. (Ảnh: Reuters)

Tờ báo tiếng Anh China Daily của Trung Quốc nói rằng dự luật mới phù hợp với các công ước quốc tế, nhưng “phe phản đối và các chủ mưu nước ngoài dường như quyết phản đối vì mục đích của riêng họ, với cái giá phải trả là pháp quyền, an ninh công cộng và tư pháp của thành phố”.

“Chính tình trạng vô pháp đó làm tổn hại Hong Kong chứ không phải dự luật sửa đổi”, China Daily viết.

Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đổ lỗi cho “các lực lượng đối lập cực đoan” và “lực lượng phương Tây đứng sau” đã “thổi phồng và chính trị hóa dự luật”.

“Chơi trò chính trị đường phố không kiểm soát sẽ đẩy Hong Kong đến lạc hậu và xáo trộn. Đây không phải phương hướng khôn ngoan cho Hong Kong”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Theo theo CNA
MỚI - NÓNG