Biết là 'nhầm' sao không sửa?

Biết là 'nhầm' sao không sửa?
TP - Một số cựu đảng viên ở ĐBSCL kêu oan vì bị khai trừ Đảng với những lý do đã được làm rõ là không đúng thực tế, hoặc không đúng quy định pháp luật.
Đám ruộng xanh lúa của ông Ngọc mà quyết định khai trừ ông khỏi Đảng cho rằng đã san lấp, phân lô bán nền. Ảnh: Sáu Nghệ
Đám ruộng xanh lúa của ông Ngọc mà quyết định khai trừ ông khỏi Đảng cho rằng đã san lấp, phân lô bán nền. Ảnh: Sáu Nghệ.

Căn cứ sai thực tế

Ngày 10-7-2012, Đảng ủy khối Dân chính đảng tỉnh An Giang có quyết định khai trừ Đảng ông Lê Văn Ngọc ở Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

Nhiều lý do được nêu “tác phong, ngôn phong thiếu chuẩn mực”, “không tự giác nhận khuyết điểm”, “khiếu nại, tố cáo vượt cấp”, tuy nhiên lý do chính là từ đám ruộng của ông Ngọc ở phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, An Giang).

Đám ruộng ông Ngọc mua năm 2002, sau đó cầm cố cho một người dân trồng lúa. Phòng TN-MT TP Long Xuyên báo cáo, cũng như một số cán bộ xác minh cho rằng, ông Ngọc đã san lấp và phân lô bán nền.

Căn cứ vào đó, ngày 19-8-2009, Đảng ủy Trường Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Ngọc. Quyết định viết: ông Ngọc mua đất “tổng diện tích 3.962 m2, được cấp giấy CNQSDĐ là loại đất lúa chuyên dùng và thủy lợi, nhưng tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền cho người khác, trong khi đất chưa được chuyển mục đích sử dụng”.

Ông Ngọc khiếu nại, dẫn tới quyết định của Đảng ủy khối Dân chính đảng tỉnh An Giang “thay đổi hình thức kỷ luật cảnh cáo bằng hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng”.

Quyết định này cũng nêu, ông Ngọc “tự ý san lấp mặt bằng trên đất trồng lúa chuyên dùng để phân lô bán nền cho người khác khi đất chưa chuyển mục đích sử dụng”.

Theo tìm hiểu của PV, đám ruộng của ông Ngọc hiện vẫn đang sử dụng vào mục đích… trồng lúa. Như nói trên, ông Ngọc cầm cố đám ruộng cho một người dân, nhưng người này không trả đúng hạn, nên ông Ngọc kiện ra tòa.

Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ngày 5-4-2012, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Long Xuyên đã tổ chức “giao, nhận tài sản thi hành án”. Biên bản ghi hiện trạng “toàn bộ khu đất ông Ngọc nhận là đất trống”.

Những nơi cho rằng, đám đất ông Ngọc đã san lấp và phân lô bán nền, khi làm việc với PV Tiền Phong đều không đưa ra được chứng cứ cụ thể, chỉ giải thích vòng vo. Ông Ngọc đang khiếu nại kêu oan về quyết định khai trừ ông ra khỏi Đảng.

Cưỡng chế không đúng

Có 4 sỹ quan quân đội nghỉ hưu ở TP Cần Thơ, kêu oan vì bị khai trừ Đảng đã 12 năm, liên quan vụ cưỡng chế giải tỏa nhà đất.

Gia đình những người này cùng 21 hộ cựu quân nhân khác (tổng cộng 25 hộ), làm nhà sinh sống trên giải đất bên đường Trần Quang Diệu, phường An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ) ổn định nhiều năm, có hộ khẩu, nộp thuế đầy đủ.

Giữa năm 1999, Tỉnh đội Cần Thơ theo lệnh của Quân khu 9, tổ chức cưỡng chế giải tỏa mà không đền bù, tái định cư.

Từ phải qua, bốn cựu chiến binh bị khai trừ Đảng đang kêu oan, ông Vinh, Hiển, Xuyên và bà Hồng. Ảnh: Trường Ca
Từ phải qua, bốn cựu chiến binh bị khai trừ Đảng đang kêu oan, ông Vinh, Hiển, Xuyên và bà Hồng. Ảnh: Trường Ca.

Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc và ngày 14-2-2001 đã kết luận, khu đất “không còn là đất quốc phòng mà là đất do Quân khu đang có trách nhiệm quản lý, chờ bàn giao cho UBND Cần Thơ”.

Tỉnh đội Cần Thơ cưỡng chế không đúng và “UBND Cần Thơ phải có trách nhiệm giải quyết các hậu quả phát sinh”.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo, cho đến đầu năm 2011, Cần Thơ lần lượt giải quyết đất hoặc chỗ ở cho các gia đình bị cưỡng chế.

Thế nhưng, đấy mới chỉ là về hành chính. Năm 2000, khi mới cưỡng chế, có 4 người ở chi bộ 1, phường An Thới, đã bị khai trừ Đảng vì “không chấp hành giải tỏa di dời (?) phải xử lý hành chính bằng biện pháp cưỡng chế”.

Đó là các ông Nguyễn Quang Hiển (SN 1932, vào Đảng 1960), Trường Xuân Vinh (SN 1941, vào Đảng 1969), Trịnh Văn Xuyên (SN 1942, vào Đảng 1967), bà Trần Thị Việt Hồng (SN 1954, vào Đảng 1985). Rõ ràng, lý do kỷ luật như về sau đã chứng tỏ là không đúng.

Thậm chí, ông Trịnh Văn Xuyên, không có mặt trong thời điểm cưỡng chế và xét kỷ luật, đang về quê chịu tang cha đẻ và mẹ vợ (hơn một năm).

Bí thư chi bộ 1 hồi đó cho biết ông Xuyên vắng mặt có làm đơn xin phép với chi bộ, và chi bộ không tán thành kỷ luật nặng như đã diễn ra.

Còn có dấu hiệu bất công, trong 25 hộ bị cưỡng chế, có 9 đảng viên nhưng chỉ 4 đảng viên ở chi bộ 1, phường An Thới, bị khai trừ Đảng, còn 5 đảng viên ở các phường khác không bị kỷ luật. Nên 4 cựu chiến binh vẫn không ngừng kêu oan, mong có ngày được xem xét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.