Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định ưu tiên hiện nay phải là cung cấp vắc xin cho những người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới, thay vì tiêm mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ. “Không quốc gia nào có thể tự mình thoát khỏi đại dịch”, ông Tedros nói với báo chí.
“Việc triển khai tiêm đại trà mũi tăng cường có thể sẽ khiến đại dịch kéo dài, vì nguồn cung sẽ tập trung vào những quốc gia có độ bao phủ vắc xin cao, khiến virus có cơ hội lây lan và biến đổi ở những nơi có độ bao phủ vắc xin thấp”, ông Tedros cảnh báo.
Hai em nhỏ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Chile. Ảnh: AP |
WHO kêu gọi các quốc gia và cá nhân tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng ngừa trong dịp Giáng sinh. “Mũi tăng cường không phải tấm vé để tham gia các hoạt động hội họp”, ông Tedros nói.
Phát biểu trên được đưa ra khi biến chủng Omicron đang lan nhanh khắp thế giới, có nguy cơ dập tắt hy vọng đại dịch sắp kết thúc. WHO cho biết Omicron đã được phát hiện ở 106 quốc gia.
Triệu chứng khác biệt của Omicron
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ khẳng định đến thời điểm hiện tại, xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên vẫn có thể phát hiện sự tồn tại của SARS-CoV-2, dù virus này trải qua nhiều lần đột biến.Tuy nhiên, các loại xét nghiệm này không thể giúp người bệnh biết cụ thể họ đang nhiễm biến thể nào.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở các bệnh nhân nhiễm Omicron, theo một số nghiên cứu, là họ ít có khả năng bị mất khứu giác và vị giác hơn so với các bệnh nhân nhiễm biến thể khác.
Khoảng 48% bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nguyên bản bị mất khứu giác, và 41% mất vị giác. Nhưng dữ liệu từ đợt bùng phát Omicron trong nhóm những người đã tiêm chủng ở Hà Lan cho thấy chỉ 23% bệnh nhân bị mất vị giác và 12% mất khứu giác.
Dù vậy, vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do biến thể Omicron hay một số yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng tiêm chủng.
Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa Omicron và các biến thể khác là Omicron dường như có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, có thể do các đột biến của Omicron giúp virus xâm nhập tế bào dễ hơn, TSWaleed Javaid (New York, Mỹ) nhận định. Sau khi phơi nhiễm, một người nhiễm Omicron chỉ cần 3 ngày để phát triển triệu chứng và nhận kết quả dương tính. Trong khi đó, quá trình này sẽ kéo dài từ 4 đến 6 ngày ở những người nhiễm biến thể Delta.
Dữ liệu từ Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm Omicron thấp hơn so với chủng virus trước đó. Nhưng điều này không thể chứng minh Omicron là phiên bản virus giảm độc tính, vì độ tuổi của các bệnh nhân nhiễm Omicron ở Nam Phi chủ yếu còn khá trẻ. Dữ liệu cũng cho thấy nguy cơ phải nhập viện ở trẻ em nhiễm Omicron cao hơn so với các biến thể trước đó.
“Vẫn có những người nhiễm Omicron bị tiến triển nặng. Đôi khi các triệu chứng nhẹ ban đầu có thể trở thành các triệu chứng nghiêm trọng sau đó. Vì vậy, quan trọng là những người có triệu chứng giống cảm lạnh hoặc cúm phải được xét nghiệm sàng lọc”, TS Javaid nói. “Dù là biến thể khác nhưng nó vẫn là virus corona và chúng ta vẫn đang ở trong đại dịch”.