Một ngày cuối tháng bảy tại Brisbane, thủ phủ tiểu bang Queensland, Úc, biên tập viên Bùi Thu Thủy, người dẫn chương trình “Ở nhà chủ nhật” vang bóng một thời trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện gần gũi, cởi mở.
Cú sốc đến muộn…
Chào chị. Thời gian qua khán giả ít thấy chị trên truyền hình. Vậy chị có thể chia sẻ về công việc và cuộc sống hiện tại?
Năm 2011, giấc mơ du học từ thời sinh viên lại trỗi dậy khi tôi được cơ quan giới thiệu đăng ký tham gia khóa học sau đại học tại Úc. Nhận được học bổng Thủ tướng Úc dành cho các ứng viên châu Á trong khuôn khổ học bổng Endeavour, giữa năm 2011, tôi tạm xa Hà Nội để tới Brisbane, thực sự bước vào con đường nghiên cứu sinh đầy thử thách và thú vị.
Điều gì khiến chị quyết định tạm rời công việc của một Phó Trưởng ban Thể thao Giải trí và Thông tin Kinh tế VTV3 để lên đường du học tại Úc?
Trước hết là cơ hội đến và điều đó phù hợp mong muốn thu nạp kiến thức mới của tôi.
Thứ hai là tôi hy vọng việc đi học sẽ có ích trở lại cho công việc sản xuất chương trình truyền hình và quản lý của mình.
Thứ ba là tôi may mắn vì đăng ký học bổng một năm đã có kết quả.
Những ngày đầu đặt chân tới “xứ sở chuột túi”, chị gặp khó khăn gì trong việc sắp xếp thời gian dành cho nghiên cứu và gia đình?
Du học khiến tôi rơi vào thử thách mới. Làm nghiên cứu sinh, bạn tương đối “đơn độc” trong hành trình của mình. Ngoài giáo viên hướng dẫn, người đồng hành với bạn là sách, là tài liệu, là nghiên cứu, là lý luận của những người đi trước.
Như kiểu bạn bơi trong biển kiến thức và bạn phải tìm ra các manh mối để ráp nối vấn đề của bạn. Sắp xếp thời gian và đảm bảo chi tiêu trong số tiền học bổng hàng tháng cũng là một thách thức đối với người mẹ hai con, lần đầu sống lâu dài ở môi trường nước ngoài.
Ban đầu, tôi cảm thấy rất ổn ở môi trường mới. Nhưng cú sốc lại đến muộn, sau đó một năm, khi mẹ tôi về nước và tôi một mình “vật lộn” với đề tài, hai đứa con và một loạt các việc nhà.
Đến năm thứ ba thì chồng tôi phải sang Úc ở lâu hơn để hỗ trợ tôi. Tôi nghĩ ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng bận rộn và khó khăn như vậy. Rồi cứ giải quyết dần từng việc thì mọi thứ lại đâu vào đấy.
Biên tập viên Bùi Thu Thủy
Chẳng ai dại chấm điểm chồng…
Một ngày “Ở nhà chủ nhật” của chị tại Úc có khác gì so với ở Việt Nam?
Chủ nhật ở Úc và Việt Nam của tôi không khác nhau nhiều. Đều là đi ra ngoài chơi chứ ít khi ở nhà. Có điều khác là ở Úc thì không được đi thăm bố mẹ hai bên. Điều khó khăn nhất phải chịu đựng khi du học là xa gia đình.
Chị được coi là người phụ nữ thành công? Vậy “phía sau người phụ nữ thành công này là…”? Nếu thang điểm tối đa là 10, chị chấm cho chồng mấy điểm? Anh đã ủng hộ chị như thế nào trong thời gian chị học tập, nghiên cứu tại Úc?
Tôi cũng không biết mình đã được gọi là thành công chưa. Còn chấm điểm thì nói chung chẳng ai dại chấm điểm chồng. Nếu cho điểm 10 dễ có người nhòm ngó. Cho ít hơn lại phụ công anh ấy. Chỉ biết rằng ngay từ thời sinh viên, khi chưa thành vợ chồng, anh ấy đã ủng hộ nhiều quyết định của tôi.
Sau này, trong công việc và nhiều lựa chọn, anh ấy cũng không cản tôi. Điều rất đáng quý là anh ấy chấp nhận làm việc nhiều qua mạng, bay đi bay về nhiều giữa Úc, Việt Nam và các thị trường lớn của cơ quan anh ấy để vừa có thể làm việc cơ quan vừa chăm sóc được gia đình.
Tất nhiên đâu chỉ tôi được lợi mà các con tôi được lợi không kém. Ngoài ra, tôi còn có sự ủng hộ lớn từ hai bên gia đình, và cơ quan tôi, những người đã dành hẳn cho tôi những năm làm nghiên cứu sinh để tích lũy kiến thức và trải nghiệm cuộc sống mới.
Chị thấy quan niệm về hôn nhân, gia đình của người Úc như thế nào?
Úc là nước đa văn hóa. Nhiều người nước ngoài đến Úc được khuyến khích giữ lại những nét văn hóa truyền thống. Tôi thấy người Úc khi đã lập gia đình thì trọng gia đình. Nhưng họ cũng rõ ràng trong hôn nhân.
Theo con số thống kê tôi đọc được thì tỉ lệ ly hôn ở Úc là 40%. Người Úc nhìn cuộc sống đầy lạc quan nên họ kết luận rằng “phần lớn các cuộc hôn nhân đến đầu bạc răng long”. Thì rõ ràng là 60% nhiều hơn 40%.
Một số liệu khác từ năm 2008 cho biết, thực tế phụ nữ đưa đơn ly dị nhiều nam giới (gần 18.000 bà vợ so với gần 13.000 ông chồng). Người Úc cho rằng, như thế đàn ông gây nhiều “tội lỗi” hơn các bà nên mới bị các bà đòi chấm dứt quan hệ.
Tại Úc, sau khi học xong trung học, con cái đủ 18 tuổi có thể sống tự lập. Muộn lắm là đến khi học xong đại học. Cô giáo hướng dẫn tôi có hai con trai đều có bạn gái và sống ở ngoài. Ở nhà bố mẹ vẫn có phòng riêng để con cái lúc nào đến chơi có chỗ ở thôi, chứ ít khi con cái trưởng thành ở chung với bố mẹ. Đôi khi bố mẹ cho người khác thuê nhà còn con cái phải tự mình thuê chỗ khác ở.
Cách tận hưởng ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ với gia đình của người Úc có gì nổi bật?.
Người Úc dành rất nhiều thời gian cho con cái. Thứ bảy, Chủ nhật đi picnic, chơi thể thao bên ngoài nhiều. Có lẽ do Úc có nhiều công viên, nhiều chỗ chơi ngoài trời cho trẻ em.
Các ngày trong tuần quán ăn quán nhậu vắng thôi, nhưng tối thứ sáu và cuối tuần thì rất đông vui. Các ông bố chịu khó đi siêu thị, đi đón con và chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Nói chung, cảm giác của tôi là người Úc rất dễ chịu, sống vì gia đình và khá là tình cảm.
Cần lắng nghe phản hồi của khán giả….
Theo dõi các gameshow truyền hình Úc, chị có đánh giá, nhận xét gì?
Ở Úc, tôi xem cả truyền hình công lẫn truyền hình thương mại. Tôi theo dõi nhiều thể loại khác nhau như trò chơi truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế, talk show, phim tài liệu, các chương trình tổng hợp khác và cả các chương trình thanh thiếu niên….
Các chương trình truyền hình thực tế như The Voice, X-Factor, Australia’s got talent, Master Chef, Amazing Race là những chương trình lớn.
Truyền hình Việt Nam cũng đã mua và cập nhật rất nhanh các format này. Chương trình buổi sáng của một số kênh truyền hình ở Úc thường kéo dài tới 3 tiếng, đan xen tin tức và giải trí, xem rất thú vị.
Tại Úc hiện nay mọi người sử dụng Internet nhiều. Việc xem lại truyền hình qua Internet (Iview), truyền hình Úc đã có kinh nghiệm vài chục năm.
Tôi hay catch up (xem lại) các chương trình trên Internet. Truyền hình gắn liền với Internet là xu thế tất yếu. Vì thế tôi rất vui khi qua vtv.vn có thể xem lại chương trình truyền hình của Việt Nam, cũng như truyền hình Việt Nam đang bước đầu xây dựng VTVGo trên YouTube.
Một số chương trình gần đây của VTV3 nhận được cả những lời khen và chê trách. Tiếp thu kinh nghiệm truyền thông tại nước ngoài, chị có dự định gì để giúp VTV3 nâng cao chất lượng các chương trình giải trí?
Theo tôi, lời khen và tiếng chê với các chương trình là rất cần thiết. Với tư cách là người sản xuất, tôi thấy nhận lời chê không dễ chịu gì. Nhưng nếu không nhìn vào những lời phê bình, để thấy những điểm có thể cần điều chỉnh thì mình đã để lãng phí những đóng góp của khán giả.
Tôi thấy các nhóm sản xuất ở Đài chúng tôi nói chung còn thiếu các kênh để nhận phản hồi của khán giả. Trong phần nghiên cứu của tôi, tôi cũng áp dụng một cách nghiên cứu để lấy phản hồi của khán giả dành cho chương trình của Ban chúng tôi sản xuất.
Cách này tuy mất công nhưng có tính khả thi và các bạn trong các kíp sản xuất chương trình đều có thể áp dụng. Nếu bạn có những phản hồi của khán giả, bạn có thể biết được nhận xét của họ về chương trình của mình và chỉnh sửa, cải tiến, thay đổi nếu cần.
Được biết chị là một trong những người sáng lập chương trình “Cơm có thịt Australia”? Xin chị cho biết một vài nét về chương trình này?
Đầu năm học mới 2012, Cơm Có Thịt đã rất khó khăn khi lũ trẻ sắp đi học mà quỹ đã cạn. Tôi ở xa, nhận được tin đó, hoàn toàn tự phát lên Facebook kêu gọi mọi người đóng góp vào tài khoản của mình rồi tìm cách chuyển về Việt Nam. Việc đó thành công ngoài sức chờ đợi của tôi.
Tôi may mắn vì đã sử dụng được mạng xã hội, một cách truyền thông mới. Rồi tôi cũng lôi kéo các bạn các nơi, trong Úc và các nước khác hỗ trợ. Vì thế Cơm Có Thịt quốc tế không chỉ dừng lại ở Úc mà ở hơn 10 nước khác.
Khi tôi đang trả lời phỏng vấn này thì đại diện Cơm Có Thịt tại Úc đang ở Hà Nội. Bạn ấy và những người bạn trong Cơm Có Thịt đang đi lên Mường Khương để thăm điểm trường mà Cơm Có Thịt tại Úc đỡ đầu.
Tôi mongchương trình Cơm Có Thịt tại Úc tiếp tục được các bạn ủng hộ. Những đóng góp của nhóm Cơm Có Thịt ở Úc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng quỹ chung của chương trình Cơm Có Thịt nhưng nó thực sự là tấm lòng của những người con ở xa quê hương.
Theo chị, truyền thông đóng vai trò như thế nào trong việc cổ vũ những chương trình nhân đạo tương tự vượt khỏi biên giới quốc gia?
Ban đầu, chúng tôi hầu như không sử dụng các kênh truyền thông chính thống mà hầu hết dựa vào mạng xã hội. Sau đó các báo điện tử và các kênh truyền hình cũng đề cập nhiều.
Tôi rất thú vị khi công việc này được thực hiện nhiều trên Internet, là điểm mới đối với tôi. Truyền thông bằng cách nào cũng rất quan trọng, để kết nối mọi người, đặc biệt khi nó cổ vũ cho một mục đích tốt đẹp.
Cám ơn chị về những chia sẻ thú vị!