Tre già, măng chưa mọc
Nhìn vào đội ngũ các tác giả viết kịch bản sân khấu hiện nay sẽ thấy những cây bút lão làng, tóc bạc, da đồi mồi, và có thể là đôi tay cũng đã bắt đầu run run mỗi khi cầm bút. Ở miền Nam, do sự chi phối của cơ chế thị trường nên sân khấu năng động, đa dạng, vì thế thu hút được một lượng nhất định những cây bút trẻ muốn thử sức. Còn ở miền Bắc, những tác giả U40, U30 thì gần như không có, dù những người có bằng cử nhân biên kịch sân khấu không phải ít. Một thực tế là, sân khấu Bắc không có tác giả sân khấu chuyên nghiệp, nói cách khác, nếu ai đó xác định chỉ viết kịch bản sân khấu thì rất khó để ổn định cuộc sống.
Các cây bút trẻ hiện nay, dù rất đam mê nghiệp cầm bút cũng chỉ có thể yên tâm sáng tác khi đã có một công việc ổn định khác. Hầu hết những người đã tốt nghiệp khoa biên kịch sân khấu trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội đều trở thành biên tập viên, cán bộ quản lý văn hóa hoặc nhân viên phòng nghệ thuật. Khi nào rảnh rỗi, họ mới có thể cầm bút viết kịch. Với cuộc sống đầy áp lực như hiện nay, thì thời gian dành cho đam mê đó gần như là con số 0. Đó chính là nguyên nhân khiến sân khấu cạn kiệt nguồn tác giả trẻ, và vì thế vắng bóng kịch bản có sức trẻ. Vì không có sức trẻ nên sân khấu đang bị coi là già nua, yếu ớt.
Cảnh trong vở “Lời nói dối cuối cùng”
“Nhiều người hỏi tôi, sao thích dựng kịch của một tác giả đã cũ như Lưu Quang Vũ vì không phải tất cả tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều có thể quay trở lại cuộc sống ngày nay. Thật sự, tôi rất muốn dựng kịch của các tác giả trẻ. Trên giá sách của tôi, kịch bản của các tác giả từ Bắc Trung Nam gửi về, tôi đã đọc hết. Tôi rất muốn tìm những cây viết mới nhưng đọc mãi mà tôi không tìm được sự đồng cảm nào” - NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết.
Đạo diễn phải chịu khá nhiều áp lực trong việc chọn lựa kịch bản, bởi tác phẩm đó phải hội đủ tố chất để phát huy hết năng lực của đạo diễn, diễn viên cũng như các thành phần sáng tạo khác. Việc tìm một kịch bản hay, đủ sức đua tranh cùng các đơn vị bè bạn khó khăn gấp vạn lần việc tìm đạo diễn hay diễn viên chính. NSND Anh Tú, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tâm sự: “Quả thật sân khấu đang cực hiếm những tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống. Tôi luôn tìm kiếm những người viết trẻ với những kịch bản có cái nhìn mới song điều này thực sự khó. Sân khấu đôi khi cần những cái nhỏ thôi song phải có giá trị, không nhất thiết cái gì cũng phải to tát, hoành tráng”.
Khủng hoảng thiếu kịch bản sân khấu hay là căn bệnh kinh niên từ nhiều năm. Mỗi khi đến kỳ liên hoan, các đơn vị nghệ thuật đều “rình rập’, đặt hàng các tác giả giàu kinh nghiệm song cơ hội sở hữu một kịch bản “hết ý” vẫn chỉ mong manh như làn khói mà thôi.
PGS Tất Thắng: Hiện trạng biên kịch của chúng ta đang rất tồi tệ, gần như không thấy một ngôi sao sáng nào trong số các tác giả trẻ
Giải pháp nào?
Một điểm chung khiến các tác giả trẻ hiện nay không thể theo nghề dù rất đam mê là họ đang bế tắc, không biết viết gì và viết như thế nào để đứa con tinh thần của mình lọt vào mắt xanh các đơn vị nghệ thuật.
Theo PGS.TS Phạm Duy Khuê: “Tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện; song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống.
Trong quá trình ráng sức hành động ấy, con người – nhân vật có điều kiện bộc lộ hết mình đến tận mọi góc khuất, khúc quanh nơi đời sống tâm hồn, trí tuệ, hữu thức và vô thức. Nội dung một kịch bản sân khấu được hiện ra trước hết và nhiều nhất từ lời đối thoại giữa các nhân vật và lời độc thoại của nhân vật phân thân (đối thoại với chính mình). Tuy nhiên, đối thoại chứ không phải “đấu khẩu” hay “chém gió”, mà kịch bản cứ viết quá nhiều lời như hiện nay”.
NSND Anh Tú, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Tôi luôn tìm kiếm những người viết trẻ với những kịch bản có cái nhìn mới song điều này thực sự khó
Sân khấu giống như người ốm dậy, đang còn yếu nên cần phải bồi dưỡng mới mong khoẻ. Các tác phẩm kịch bây giờ không đối thoại được với con người, không làm cho khán giả cười, cũng không làm cho người ta khóc. “Hiện mình chưa đào tạo tác giả kịch bản sân khấu theo phương pháp hiện đại, vì thế trường Đại học sân khấu điện ảnh cần phải đào tạo những nhà biên kịch thật tử tế. Kịch bản là yếu tố cơ bản của sân khấu, vì thế phải hết sức chú ý đến nguồn lực tác giả. Nhà viết kịch phải đối thoại, phản biện với cuộc sống” – PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đưa ý kiến.
Những chuyên gia đầu ngành sân khấu đều đã lên tiếng bức xúc về vấn đề tác giả và đào tạo biên kịch trong tình hình hiện nay. Nếu không có một đội ngũ những cây bút trẻ vững nghề có thể tiếp nối thế hệ cha ông thì sân khấu sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn. Từng nhiều lần đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, PGS Tất Thắng cho rằng, hiện trạng biên kịch của chúng ta đang rất tồi tệ, gần như không thấy một ngôi sao sáng nào trong số các tác giả trẻ. “Đã đến lúc phải tìm kiếm nhân tố có năng khiếu rồi gửi sang nước ngoài học biên kịch để cứu vãn nền sân khấu đang trầm lắng” - ông đề xuất.