Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm phạm.
Việt Nam chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sớm sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc các thế lực thù địch làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc; xử trí linh hoạt, hiệu quả từng tình huống.
Tích cực, chủ động ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong thời bình của quốc phòng Việt Nam nhằm thực hiện Chiến lược Quốc phòng tối ưu là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc mà không cần phải tiến hành chiến tranh. Công cuộc phòng thủ đất nước được thực hiện trên tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa – xã hội và quân sự theo một chiến lược thống nhất nhằm loại trừ các nhân tố dẫn đến xung đột vũ trang và chiến tranh, đồng thời chuẩn bị chu đáo mọi mặt, đồng bộ từ thời binh; sẵn sàng đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược.
Biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ biên giới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu; bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng thủ vững chắc khu vực biên giới.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế. Việt Nam tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, cùng với các nước ASEAN phấn đấu sớm đạt được COC với Trung Quốc; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Việt Nam và Campuchia tiếp tục nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và trên biển trên tinh thần hữu nghị hợp tác triệt để tuân thủ các cam kết, theo luật pháp và thông lệ quốc tế, phản đối các hành động can thiệp, kích động gây chia rẽ quan hệ hai nước. Trong khi biên giới trên biển chưa phân định, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định về vùng nước lịch sử năm 1982, tăng cường hợp tác quản lý, bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, trên đất liền và trên biển.
Là quốc gia biển, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến an ninh biển, đảm bảo cho vùng biển Việt Nam là vùng biển an toàn, thân thiện được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ luật pháp quốc tế, hỗ trợ và bảo vệ các hoạt động tự do thương mại, hàng hải, hàng không quốc tế, lao động hòa bình trên biển.
Việt Nam phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng, sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các hành động chống phá, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực nhằm đối phó với các thách thức an ninh chung. Phòng, chống, đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là mục tiêu chiến lược quốc gia. Việt Nam có chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính và giảm bớt tác hại của hiện tượng nước biển dâng. Việt Nam ủng hộ các hoạt động của Ủy hội sông Mê Công, ủng hộ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công theo quy định của luật pháp quốc tế về các con sông đi qua nhiều nước.
Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố, tài trợ và nuôi dưỡng khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời phản đối các hoạt động lợi dụng chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác nhằm ngăn ngừa các hoạt động khủng bố và các hoạt động hỗ trợ khủng bố dưới mọi hình thức, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Hiến pháp, Pháp luật và điều kiện của Việt Nam.