Biến dương xỉ thành ống hút

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tình cờ thấy vạt dương xỉ mọc rậm rạp, anh Hoàng Văn Tần (25 tuổi, dân tộc Nùng, trú xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) lóe lên ý tưởng chế tạo ống hút từ loại cây này và bắt tay thực hiện. Dự án của anh lọt vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021.

Những ngày cuối năm, anh Hoàng Văn Tần khá bận rộn để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng chuẩn bị cho việc sản xuất đại trà ống hút dương xỉ vào quý I năm 2022. Hiện anh đã tìm được vùng nguyên liệu (cây dương xỉ) tại một số khu vực của tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng.

Vốn là nhân viên kinh doanh cho một công ty nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi có ý tưởng chế tạo ống hút từ cây dương xỉ, anh Tần quyết định nghỉ việc, dồn toàn tâm trí cho dự án khởi nghiệp trên quê hương. Chia sẻ về dự án làm ống hút dương xỉ, anh Tần cho biết, rác thải nhựa trong đó có ống hút nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Tại Việt Nam, có nhiều người tiên phong nghiên cứu, sản xuất ống hút từ các loại cỏ, gạo, ống tre… để thay thế ống hút nhựa. Tuy vậy, mỗi loại ống hút tự nhiên lại có nhược điểm riêng khi sử dụng thực tế, điều này khiến anh nghĩ giải pháp tối ưu hơn.

Tháng 9/2020, anh Tần đến Lâm Đồng tìm nguyên liệu chanh dây cho công ty thì thấy vạt dương xỉ mọc sau các ngôi nhà. “Cuộc gặp này khiến mình nhớ lại câu chuyện làm ống hút từ cỏ bàng của một người anh ở TPHCM. Câu chuyện của anh ấy giúp mình nhận ra cây dại cũng có thể biến thành ống hút nếu ta biết cách chế tạo. Ý tưởng làm ống hút dương xỉ từ đó”, anh Tần kể.

Thân thiện môi trường

Thời gian đầu, anh Tần gặp nhiều khó khăn khi bắt tay làm ống hút dương xỉ. Đầu tiên là nguồn nguyên liệu, anh phải rong ruổi khắp các khu vực đồi núi tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Quảng Nam… tìm nơi dương xỉ sinh sống. Khi có nguyên liệu, anh lại mày mò quy trình sơ chế, cắt, tách lõi, sấy để ống hút không bị vỡ nát.

“Quy trình sản xuất ống hút dương xỉ khá đơn giản. Cây dương xỉ thu hoạch về cắt thành đoạn, rút phần ruột bên trong; tiếp đến dùng vật dụng chuyên dụng vệ sinh sạch sẽ cả bên trong lẫn bên ngoài ống hút. Sau đó mang sấy khô, đóng gói, bảo quản trong túi hút chân không. Để ống hút không bị gãy vỡ mình thử nghiệm nhiều loại, chọn máy cưa ống, nhiệt độ sấy, hấp phù hợp. Làm hỏng khá nhiều mình mới hoàn thiện được quy trình chế tạo ống hút dương xỉ”, anh Tần nói.

Theo anh Tần, ống hút dương xỉ cứng, dày hơn ống hút cỏ nên dễ bảo quản vận chuyển. So với ống hút tre và kim loại, ống hút dương xỉ nhỏ, nhẹ hơn, được làm hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, ống hút dương xỉ không thể thẳng tắp, giá thành (khoảng 600 đồng/ống) vẫn còn cao hơn ống hút nhựa.

Cùng với việc hoàn thiện bao bì, xây dựng thương hiệu sản phẩm, anh Tần đang nghiên cứu cách tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với các loại ống hút, nhất là ống hút nhựa. Về lâu dài, anh có kế hoạch đưa dương xỉ về địa phương để chủ động nguồn nguyên liệu.

Dự án sản xuất ống hút dương xỉ của anh Hoàng Văn Tần là một trong 3 dự án của tỉnh Đắk Nông lọt vào Bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Anh Tần hy vọng ống hút dương xỉ sẽ dần thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa, bảo vệ môi trường…

MỚI - NÓNG