Cắn gối khóc ròng, mất sữa mới tìm đến nha sĩ
Ôm mặt sưng vù một bên ngồi chờ bác sĩ tại Trung tâm Nha khoa Đức Toàn, chị T.Bích (37 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) nhăn nhó kể 10 năm nay chị mới tới phòng nha. Chị cho biết, chị vừa sinh con được 6 tháng và đang cho con bú. Trong suốt 9 tháng thai kỳ, chị đã nhiều đêm vật vã vì đau răng nhưng không dám đến nha sĩ, bởi chị “kiêng” như lời các cụ dặn, không được động chạm đến răng, đợi sinh con, cho con bú xong thì “tính”. Hơn nữa, chị sợ đến gặp bác sĩ, răng chị lại bị đau hơn.
Nhưng sinh con xong, chị đau hậu sản một thì đau răng mười. Gần đây, vì đau răng, chị chỉ biết cắn gối khóc. “Cơn đau không báo trước, liên tục kéo dài có khi đến hàng giờ, đôi lần cơn đau lan lên nửa đầu, có khi không xác định được đau ở đâu, bác sĩ ạ! Mấy hôm nay, tôi đau ăn không nổi, sữa ít hẳn, bé con chỉ quen ti mẹ nên quấy khóc suốt. Thương con, lại mệt mỏi quá, tôi mới đi khám răng”, chị Bích chia sẻ.
Chỉ vào hình ảnh X-quang răng của chị Bích, BS nha khoa Trần Hương Giang – Giám đốc Trung tâm Nha khoa Đức Toàn – phân tích: “Lỗ sâu sát tủy, mảng đen nổi trên hình ảnh X-quang cho thấy răng số 46, 47 của bệnh nhân bị rỗng toàn bộ, dây chằng hơi giãn rộng. Nguyên nhân của tình trạng này là do chị Bích đã bị sâu răng từ khi mang bầu nhưng để quá lâu, không chữa trị. Răng số 46, 47 đã bị viêm tủy cấp”.
“Tình trạng sức khỏe răng miệng của bệnh nhân Bích nghiêm trọng tới mức, khi khoan mở tủy đến đâu, răng vỡ rơi ra đến đó. Chúng tôi buộc phải phá đến một nửa răng số 46, 47 của bệnh nhân, tình trạng cao răng, viêm lợi nặng khiến một số răng đã bị lung lay mức độ 2”, BS Trần Hương Giang chia sẻ.
Có thể dẫn đến tử vong
Theo BS Trần Hương Giang, một vấn đề liên quan đến viêm lợi nhiều nhất mà bà bầu hay gặp phải đó là viêm lợi trùm răng số 8. Viêm lợi là bệnh do vi khuẩn phát triển, xuất phát từ những mảng bám trên răng. Trong miệng có màng phím nước bọt với đặc điểm dai, trong, dính, sẽ lôi kéo thức ăn, vi khuẩn, tạo thành bựa răng, nếu không vệ sinh sạch sau 7 ngày sẽ hình thành cao răng, bám chặt quanh răng, dễ dẫn đến viêm lợi. Nhiều thai phụ đến với Trung tâm Nha khoa Đức Toàn khi đã bị viêm lợi trùm răng 8 trong tình trạng mặt sưng vù một bên, không mở nổi miệng, thậm chí có những trường hợp sốt, nổi hạch.
Bà bầu hay bị viêm lợi, viêm lợi trùm răng số 8 trước hết là do ý thức vệ sinh răng miệng của nhiều người còn hạn chế, cùng đó là sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ. Răng số 8 lại nằm ở góc trong cùng, khó để lấy sạch các thức ăn thừa, mảng bám quanh răng. Răng 8 cũng là răng mọc sau cùng, dẫn đến việc hoặc răng này sẽ mọc lệch, hoặc mọc thẳng nhưng không lên cao được như răng 7, hoặc có lợi trùm một phần/toàn phần lên mặt răng 8.
“Chúng tôi luôn khuyến cáo chị em ngay khi lên kế hoạch có em bé, hoặc khi cầm trên tay kết quả thử thai, hãy nghĩ tới việc kiểm tra răng miệng. Bởi cao răng, viêm lợi có thể sẽ gây ra một chuỗi những hậu quả xấu cho chính người mẹ và thai nhi!”, BS Trần Hương Giang chia sẻ.
Vi khuẩn ở mảng bám cao răng gây viêm lợi sẽ qua tĩnh mạch người mẹ, xâm nhập nước ối, nhau thai, đánh thẳng vào màng tim, màng thận hay màng phổi của em bé, gây nguy cơ sinh non, sảy thai. Nếu mẹ bị cao răng, viêm lợi trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây tình trạng thai nhi chậm phát triển trí tuệ.
“Ngoài ra, nếu bị viêm lợi, bà bầu cũng khó khăn hơn trong việc ăn uống, nhai thức ăn, ảnh hưởng đến việc cung cấp dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi”, bác sĩ Trần Hương Giang chia sẻ thêm. Đặc biệt, khi bị viêm lợi nặng, nếu không kịp thời chữa trị sẽ chuyển thành bệnh nha chu và dẫn tới một số biến chứng như gây tiêu xương, có thể mất răng, tăng nguy cơ đột quỵ tim. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có vấn đề về phổi, hít vi khuẩn từ miệng vào trong phổi có thể dẫn đến viêm phổi.
Một biến chứng nguy hiểm của cao răng, viêm lợi được BS Trần Hương Giang đề cập đến là biến chứng tại miệng (Flegmon), khiến viêm tấy lan tỏa sàn miệng toàn phát. Nếu không khống chế vi khuẩn kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Một thách thức lớn với bác sĩ nha khoa là nhiều bà bầu đến khám răng khi tình trạng đau đã nặng nhất, chảy máu, miệng có mùi nặng. Trong khi đó, kháng sinh chuyên điều trị răng không dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Cũng theo BS Trần Hương Giang, một tình trạng “nhức nhối” khác trong điều trị các bệnh về răng cho bà bầu là “tự chẩn đoán, tự làm bác sĩ”. Không ít bệnh nhân trước khi đến phòng nha đã bị viêm lợi, nhưng lần viêm trước đã “tự xử” bằng cách súc miệng bằng nước muối hoặc tự ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau răng, uống hoặc đủ hoặc chưa đủ liều đã bỏ thuốc khiến bệnh nhân bị kháng kháng sinh. Lần sau tái diễn viêm lợi sẽ bị nặng, khó điều trị hơn.
Điều trị tại chỗ, hiệu quả cao
“Do đó, biện pháp được sử dụng nhiều nhất, hiệu quả nhất với bà bầu bị cao răng, viêm lợi, viêm lợi trùm răng 8 không dùng kháng sinh là điều trị tại chỗ, vệ sinh sạch sẽ, kiên trì bơm rửa chấm thuốc. Nhiều bệnh nhân phải đến phòng nha liên tục hàng ngày, điều trị 2 lần/ngày, trong 5-7 ngày, tình trạng tiến triển rõ rệt”, Trần BS Hương Giang cho biết.