Bị tuyên y án, ông Đinh La Thăng nhận tổng cộng 30 năm tù

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa
TPO - Chiều 26/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bản án phúc thẩm trong vụ “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Các bị cáo trong vụ án gồm ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN; Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiểm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN cùng 4 nguyên thành viên HĐTV PVN là Nguyễn Xuân Thắng; Phan Đình Đức; Vũ Khánh Trường; Nguyễn Thanh Liêm.

Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức kháng cáo xin xem xét toàn bộ nội dung liên quan tới mình trong án sơ thẩm; Nguyễn Xuân Sơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm tuyên Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về 200 tỷ đồng từ OceanBank, không phải chỉ 20 tỷ đồng như án sơ thẩm xác định; các bị cáo khác xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc xem xét lại tội danh.

Trong phiên phúc thẩm, bị cáo Thăng tái khẳng định mình vô tội. Bị cáo này thừa nhận năm 2008 đã ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank về việc PVN đầu tư, nắm 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Tuy vậy, ông Đinh La Thăng cho rằng thỏa thuận trên không phải hợp đồng nên không cần thông qua HĐQT (sau là HĐTV) PVN; các lần góp tiền đều được Thủ tướng đồng ý…

Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm, bác tất cả các kháng cáo.

Qua xét xử, tòa án nhận định, PVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có quy chế sử dụng vốn được quy định cụ thể, chặt chẽ. PVN phải chịu trách nhiệm giám sát của Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng vốn; chịu trách nhiệm về tính trung thực, hợp pháp trong hoạt động tài chính…   

Luật doanh nghiệp Nhà nước và quy chế của PVN cũng quy định, HĐQT hoặc HĐTV của PVN có quyền nhân danh PVN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trước pháp luật về hoạt động của PVN; nhận - sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu đầu tư vào…

Chủ tịch HĐTV PVN là người thay mặt cho PVN, tổ chức phát triển, đầu tư quy mô lớn… để trình HĐQT hoặc HĐTV; lập kế hoạch, thay mặt ký các nghị quyết, tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết…

Có căn cứ xác định PVN và OceanBank là pháp nhân, nhân danh mình tham gia các hoạt động kinh doanh. Việc PVN góp 800 tỷ đồng mua 20% vốn của OceanBank là hoạt động đầu tư trực tiếp.

Ngày 6/6/2008, Thủ tướng quy định việc đầu tư vào tài chính ngân hàng của các doanh nghiệp phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện. Như vậy, chỉ Thủ tướng mới có thể quyết định việc PVN được góp vốn Nhà nước vào các ngân hàng…

Vì thế, mọi hoạt động đầu tư của PVN vào ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng phải là người đưa ra chủ trương PVN có đầu tư vào các tổ chức tài chính không. Sau khi Thủ tướng đồng ý, PVN mới có thể tiến hành hoàn thiện hồ sơ pháp lý việc đầu tư và tham gia quản lý tại OceanBank.

Do vậy, các quan điểm HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT của PVN có quyền đề ra chủ trương góp vốn là không có cơ sở chấp nhận. HĐQT PVN phải có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước.

Tại tòa phúc thẩm, cả bị cáo Đinh La Thăng và nhân chứng Hà Văn Thắm đều thừa nhận ký thỏa thuận số 9634 năm 2008 về việc góp vốn. Bị cáo Thăng và luật sư đều khẳng định không thay mặt HĐQT mà ký với tư cách Chủ tịch PVN. Thỏa thuận 9634 là văn bản được đóng dấu, ký tên của 2 bên nên thấy lời khai của bị cáo Thăng là có cơ sở. Thỏa thuận này là 1 giao dịch kinh tế được 2 bên xác lập.

Nội dung thỏa thuận có ghi nhất trí PVN góp 20% vốn, cán bộ PVN góp 10% vào OceanBank; PVN cử người sang đại diện, cùng tham gia điều hành ngân hàng chậm nhất 30 ngày sau khi ký thỏa thuận này; bản thỏa thuận có hiệu lực từ ngày ký…

Thỏa thuận 9634 rất chi tiết, đầy đủ về cả định tính và định lượng nên không có căn cứ chấp nhận lời khai của bị cáo Đinh La Thăng khi nói thỏa thuận trên không giằng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên.

Mặt khác, có cơ sở xác định, các bị cáo ký nghị quyết góp vốn vào OceanBank khi chưa được Thủ tướng đồng ý là vi phạm. Bị cáo Đinh La Thăng khi lấy ý kiến của các thành viên HĐQT đã đưa ra các bản dự thảo nghị quyết khác nhau, nội dung không thống nhất.

Sau đó, từ năm 2009 đến 2011, các bị cáo đã 3 lần góp tổng cộng 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank. Việc này vi phạm quy chế làm việc của PVN, pháp luật của Nhà nước… Khi Ngân hàng nhà nước mua lại OceanBank giá 0 đồng, quyền và nghĩa vụ của PVN với 800 tỷ đồng này không còn.

Về 244 tỷ đồng cổ tức PVN nhận của OceanBank, tòa phúc thẩm cho rằng cần tịch thu xung công quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, do PVN đã sử dụng lâu nên hiện tại không thể thu hồi. Các quan điểm cho rằng cần đối trừ 244 tỷ đồng này vào 800 tỷ đồng thiệt hại là không có cơ sở.

Vì vậy, HĐXX khẳng định, tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái…” là có cơ sở, đúng pháp luật. Riêng bị cáo Phan Đình Đức, không có cơ sở xác định bị cáo này đồng ý việc góp vốn lần 3 của PVN vào OceanBank nhưng bị cáo không ngăn cản là thiếu trách nhiệm.

Liên quan số tiền 20 tỷ đồng, không có cơ sở chấp nhận lời khai của Nguyễn Xuân Sơn về việc đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh 180 tỷ đồng. Hà Văn Thắm cũng khai ông Sơn không mua nhà cho con trai Ninh Văn Quỳnh.

Vì vậy, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Quỳnh phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; ông Quỳnh phải chịu trách nhiệm về 20 tỷ đồng là đúng.

Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của Phan Đình Đức, bác tất cả kháng cáo còn lại. Như vậy, bị cáo Đinh La Thăng phải nhận 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”, cộng án 13 năm tù vụ Thái Bình 2 bằng 30 năm tù.

Cùng tội danh, bị cáo Vũ Khánh Trường nhận 5 năm tù; Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm 22 tháng cải tạo không giam giữ; Nguyễn Xuân Sơn 30 tháng tù, cộng án tử hình vụ OceanBank bằng tử hình. Trong vòng 7 ngày, ông Sơn có quyền làm đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm.

Tòa cũng tuyên phạt cảnh cáo với Phan Đình Đức, không buộc bị cáo này phải bồi thường (án sơ thẩm buộc ông Đức bồi thường 15 tỷ đồng).

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh nhận 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”; 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ…”, tổng hợp hình phạt là 23 năm tù.

Về dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho PVN 785 tỷ đồng (lấy 800 tỷ đồng trừ 15 tỷ đồng được miễn của Phan Đình Đức), trong đó ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Tòa cũng buộc Ninh Văn Quỳnh phải trả 20 tỷ đồng cho Nguyễn Xuân Sơn để ông Sơn thi hành án.

MỚI - NÓNG