Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang: Tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Đội cấp xã, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đề nghị, cần tổ chức bộ máy hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã theo hướng khoa học, hiệu quả, thiết thực, đa dạng hóa các nội dung hoạt động, nhằm tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện.

Ngày 27/4, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động Hội đồng Đội cấp xã giai đoạn hiện nay. Chủ trì hội nghị có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; anh Lê Hải Long, Trưởng ban công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối tới điểm cầu Hội đồng Đội của 63 tỉnh, thành.

60/63 tỉnh, thành phố đã có Hội đồng Đội cấp xã

Báo cáo kết quả tổ chức và hoạt động Hội đồng Đội cấp xã trong giai đoạn hiện nay, anh Lê Hải Long cho biết, hiện cả nước có 10.599 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 9.171 đơn vị có Hội đồng đội cấp xã (chiếm 86,5%).

60/63 tỉnh, thành phố đã có Hội đồng Đội cấp xã. Theo kết quả khảo sát, 7.214 (chiếm 78,7%) Hội đồng Đội cấp xã đang hoạt động hiệu quả.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang: Tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện ảnh 1

Anh Lê Hải Long, Trưởng ban công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư thông tin về kết quả tổ chức và hoạt động Hội đồng Đội cấp xã trong giai đoạn hiện nay,

Trong thời gian qua, Hội đồng Đội cấp xã đang không ngừng phát triển và lớn mạnh đóng góp không nhỏ cho phong trào thiếu nhi cả nước nói chung và trên địa bàn dân cư nói riêng. Hội đồng Đội cấp xã đã tập trung vào các hoạt động như phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cháy nổ, bạo lực và xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó tổ chức các lớp dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tình nguyện vì cộng đồng… Qua đó, tạo môi trường giáo dục ngoài nhà trường phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của thiếu nhi cũng như tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại mỗi địa phương...

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các cấp đã chia sẻ nhiều mô hình, giải pháp hay trong chăm, sóc giáo dục thiếu nhi; đồng thời, cũng chỉ ra những mặt hạn chế, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang: Tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện ảnh 2

Các điểm cầu trực tuyến

Nghệ An là địa phương có 460/460 Hội đồng Đội cấp xã hoạt động hiệu quả. Anh Trần Linh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, Hội đồng Đội cấp xã đã phát huy được vai trò của mình trong đồng hành, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi. Hình ảnh của đội ngũ cán bộ Đội cấp xã được nhân dân tín nhiệm. Trong đó, điểm nhấn nổi bật của Hội đồng Đội cấp xã ở Nghệ An là tổ chức hoạt động hè. Hoạt động hè đã trở thành truyền thống, là ngày hội lớn trên địa bàn dân cư, không chỉ thiếu nhi mà ông bà, bố mẹ cùng tham gia. Đặc biệt, Hội đồng Đội cấp xã ở Nghệ An đã phát huy được vai trò bảo vệ trẻ em trong việc tuyên truyền, vận động các gia đình không lợi dụng, lôi kéo trẻ em vào vụ việc liên quan đến tôn giáo, tập trung đông người, gây rối…

Bên cạnh kết quả đạt được, anh Linh cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của Hội đồng Đội cấp xã như: chưa phân định rõ hoạt động của Đoàn, Đội; không có kinh phí dành cho hoạt động Đội trên địa bàn dân cư; kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ Đội còn hạn chế...

Chị Lê Thùy Dung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Lạng Sơn nêu thực trạng, hiện ở Lạng Sơn có 200 Hội đồng Đội xã, phường, thị trấn, tuy nhiên, nhiều Hội đồng Đội cấp xã hoạt động chưa hiệu quả. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: lực lượng cán bộ Hội đồng Đội cấp xã còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chế độ phụ cấp dành cho đội ngũ phụ trách Hội đồng Đội cấp xã chưa đi liền với trách nhiệm và công việc dẫn đến một số cán bộ phụ trách không nhiệt tình với các hoạt động Đội.

Chị Dung đề nghị, Hội đồng Đội T.Ư cần tham mưu, đề xuất để Hội đồng Đội cấp xã có con dấu riêng; hỗ trợ thêm về chế độ cho Tổng phụ trách. Mặt khác, Hội đồng Đội T.Ư tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành Giáo dục trong việc tuyển chọn giáo viên Tổng phụ trách.

Hội đồng Đội cấp xã là mô hình hoạt động có tính ưu việt

Phát biểu kết luận hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đánh giá, tổ chức Hội đồng Đội cấp xã là mô hình hoạt động có tính ưu việt, góp phần hiệu quả giúp tổ chức Đoàn thực hiện tốt công tác phụ trách Đội, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang: Tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện ảnh 3

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đánh giá, tổ chức Hội đồng Đội cấp xã là mô hình hoạt động có tính ưu việt

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Đội cấp xã, chị Nguyễn Phạm Duy Trang đề nghị, thời gian tới cần tổ chức bộ máy hoạt động của Hội đồng Đội cấp xã theo hướng khoa học, hiệu quả, thiết thực, gắn liền với đổi mới nội dung, hình thức hoạt động Đội. Đa dạng hóa các nội dung hoạt động, nhằm tạo môi trường cho thiếu nhi phát triển toàn diện.

Riêng với bố trí chức danh Chủ tịch Hội đồng Đội cấp xã nên nghiên cứu theo hướng Bí thư Đoàn cấp xã kiêm Chủ tịch Hội đồng Đội cấp xã. Đối với chức danh Phó chủ tịch Hội đồng Đội cấp xã bố trí theo hướng lựa chọn người có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, am hiểu về công tác Đội, có nhiệt huyết, trách nhiệm, dành nhiều tình cảm cho thiếu nhi, có khả năng tập hợp, thu hút các em tham gia vào các hoạt động Đội.

“Chúng ta nên tính toán thêm cơ cấu giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong các trường Tiểu học và Trung học cơ sở đóng trên địa bàn tham gia làm Phó Chủ tịch Hội đồng Đội cấp xã. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội là những người được đào tạo bài bản, có kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp công tác Đội, có tiếng nói với thiếu nhi nên việc tập hợp, thu hút các em tham gia vào các hoạt động do Hội đồng Đội cấp xã sẽ thuận lợi và hiệu quả”, chị Trang nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.