Phát biểu tại phiên làm việc trù bị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đến thời điểm này, Đảng bộ TPHCM khóa X đã tổ chức thành công đại hội của 63 Đảng bộ trực thuộc. Văn kiện Đại hội XI cũng đã được Đảng bộ TPHCM khóa X chỉ đạo xây dựng chặt chẽ, khoa học, trình Bộ Chính trị và Trung ương cho ý kiến.
Gửi đến các đại biểu lời chúc sức khỏe, ông Nguyễn Thiện Nhân nói Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2015 – 2020.
TPHCM cũng đã tổng kết phong trào thi đua 200 ngày hướng tới Đại hội Đảng với nhiều kết quả đáng trân trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hức tạp từ đầu năm đến nay.
Ông Nhân kể Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã làm việc với tập thể Bộ Chính trị. Bộ Chính trị và đặc biệt là Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý TPHCM phải tổ chức một Đại hội Đảng bộ tiêu biểu, mẫu mực và phải là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới.
Nhắc lại từng lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Nguyễn Thiện Nhân trăn trở: Làm thế nào để Đại hội Đảng bộ TPHCM là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới?
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trong nhiệm kỳ này, TPHCM đã nỗ lực kiến nghị Trung ương nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh hơn. Đầu tiên là vào năm 2017, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, TPHCM đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển bằng Nghị quyết số 54.
Ông Nhân bày tỏ: “Đây là mong muốn lâu rồi của thành phố vì sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo cơ hội cho TPHCM triển khai nhanh hơn và hiệu quả hơn các cơ chế chính sách, đồng thời cho thành phố thực hiện phân cấp cho các quận huyện và quận huyện phân cấp cho cấp phường xã một số chức năng và nhiệm vụ”.
Trên cơ sở thực hiện thí điểm, thành phố đã báo cáo Chính phủ về đề án chính quyền đô thị. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc không tổ chức bộ máy HĐND ở cấp quận, phường sẽ tạo cơ chế để chính sách triển khai xuống cơ sở nhanh hơn.
“Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau hơn 2 giờ lắng nghe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình đề án chính quyền đô thị ra Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới”, ông Nhân thông tin.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM xác định vùng tạo động lực liên kết để phát triển. Qua nhiều lần khảo sát, khu vực đáp ứng được cả 4 yếu tố như trung tâm khoa học công nghệ với khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục với 200 nghìn sinh viên, giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM, một trung tâm mới trong tương lai đặt trung tâm tài chính và một khu đô thị mới hiện đại.
Đó chính là ba quận 2, 9 và Thủ Đức và vừa qua HĐND, cử tri TPHCM đa số tán thành đặt tên cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập diện tích tự nhiên của ba quận là thành phố Thủ Đức. Dự kiến, đề án này cũng sẽ được TPHCM trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới.
“Cái thứ tư là hoàn chỉnh đề án lập trung tâm tài chính lớn nhất nước đặt ở quận 2, là tiền đề quan trọng thu hút tài chính, phát triển kinh tế. Thứ năm là thành phố đã chuẩn bị đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để tăng nguồn lực phát triển. Con số 18% là tỷ lệ thấp nhất hiện nay, đang hạn chế nguồn lực tại chỗ để đầu tư thực hiện các công trình, dự án cấp bách. Thành phố đã lấy ý kiến các Bộ ngành và đang chuẩn bị trình Chính phủ. Nếu được phép thực hiện, từ nguồn ngân sách tăng thêm, TPHCM sẽ tạo ra nhiều của cải, vật chất giá trị hơn đóng góp trở lại cho cả nước”, ông Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết trước Đại hội Đảng bộ TPHCM khoảng 1,5 năm, TPHCM chuẩn bị và xây dựng 3 chương trình đột phá trong 10 năm tới. Đó là đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng (từ giao thông, chống ngập đến logistic) và đột phá về phát triển nhân lực và văn hóa để văn hóa được phát huy tốt trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
“Cuối cùng là chương trình trọng điểm để phát triển sản phẩm chủ lực. Với tổng cộng 51 đề án, Đại hội này có thể tạo ra một dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới”, ông Nhân khẳng định.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM bày tỏ: Xây dựng Đảng vững mạnh thì phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân nói. Trên cơ sở đó, Thành ủy TPHCM đã xây dựng cơ chế 1374. Sau 33 tháng thực hiện, thành phố tiếp nhận hơn 8.700 tin báo liên quan, từ đó đã nhắc nhở, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm.
“Quan trọng nhất của quy chế 1374 chính là thông điệp. Người dân nhắc nhở chúng ta, nếu chúng ta không thực hiện thì sẽ bị xử lý, kỷ luật. Cán bộ phải luôn biết lắng nghe dân”, ông Nhân đúc kết.
Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định Đảng bộ TPHCM, cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM có truyền thống kiên cường, không gục ngã trước mọi khó khăn và trong thử thách lại càng đoàn kết, sáng tạo.