Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng

TPO - “Trước khi làm được việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp năm mới Tân Sửu đang đến.

Một năm đầy biến cố, thử thách

Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt năm 2020, vừa chống dịch COVID-19, Hà Nội vừa thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép. Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được?

 Năm 2020 là một năm đầy biến cố, thử thách nhưng thành phố đã cùng cả nước bước qua với nhiều kết quả tích cực, được báo chí và các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng của khu vực thời COVID-19, thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Có được kết quả này, tôi cho rằng có sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của Nhân dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Với Hà Nội, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Là cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển của vùng và cả nước, nơi có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, do đó sự an toàn của Hà Nội trước bệnh dịch sẽ có vai trò quan trọng đối với các địa phương khác trên cả nước. Tính luỹ kế tới nay cuối năm 2020, Thành phố đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, luỹ tích có 198 ca mắc Covid-19, chưa có ca mắc tử vong. Đã trải qua gần 140 ngày liên tiếp Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng.

 Kết quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cũng góp phần giúp thành phố tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thành công, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp, không chỉ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển thành phố trong 5 năm tới mà còn định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.

Trong phát triển kinh tế- xã hội, Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi dịch vụ, thương mại, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các quận khu vực nội thành. Nhưng bằng tinh thần “góp gió thành bão”, “ngoại thành chi viện cho nội thành”, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát COVID-19, tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước. Công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng khá, đạt 6,39%; dịch vụ tăng 3,29%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá vẫn tăng hơn 10% so với năm 2019.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 2

Hà Nội vượt qua nhiều thách thức với đại dịch COVID-19. Trong ảnh là các chuyên gia y tế vào xử lý ổ dịch COVID-19 trong Bệnh viện Bạch Mai nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 2,67%, thấp hơn mức tăng chung cả nước và thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm mới cho gần 160.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bình quân chung cả nước, chỉ ở mức 2,3%. Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2%, đạt gần 285.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế thành phố quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt trên 340.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, nguồn thu  nội địa bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiếm 93% thu ngân sách. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 416.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2019, dư nợ tín dụng đạt trên 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2019.

Thành phố đã giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên 26.000 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng số tiền hỗ trợ của cả nước. Kịp thời hỗ trợ bằng tiền 604,3 tỷ đồng cho người có công và các đối tượng khó khăn khác do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; tích cực ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ với tổng số tiền và hàng hoá trị giá 124,8 tỷ đồng; huy động Quỹ Vì biển đảo 44 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo các cấp được trên 83 tỷ đồng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kéo giảm tội phạm hình sự 15,6% so với năm 2019, khám phá 100% các vụ trọng án trên địa bàn, tai nạn giao thông giảm sâu. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên của thành phố chỉ chiếm 51%, còn 49% dành chi cho đầu tư phát triển, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi đầu tư phát triển của cả nước.

Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 4,2%, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, càng có ý nghĩa khi Quý I/2020, ngành này tăng trưởng âm 1,17% do tác động của đại dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi. Tới nay, giá trị ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Đến hết năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 41% các sản phẩm OCOP của toàn quốc; có 13 đơn vị cấp huyện đạt và 367 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ tương ứng là 72,2% và 96,1%, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã và số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội đi dạo bờ Hồ sau lễ cắt băng khánh thành dự án cải tạo, chỉnh trang kè hồ, lát đá quanh hồ Hoàn Kiếm dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời điểm giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội đồng ý cho các công trình xây dựng, lát đá vỉa hè... vẫn hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhờ thế, nhiều công trình, dự án lớn được hoàn thành. Ảnh: Duy Phạm

Cùng với đó, nhiều dự án, công trình lớn ở thành phố cũng hoàn thành, giải quyết được nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng- Ngã Tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch- Cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

Dư luận nhân dân vui mừng và đánh giá cao khi năm 2020, thành phố đã xử lý dứt điểm vụ xử lý sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, bảo đảm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tiến độ, đưa đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020 và bàn giao, chạy thương mại tháng 3/2021, quyết định các giải pháp căn cơ trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải,...  góp phần cải thiện bộ mặt đô thị thành phố, xử lý ô nhiễm môi trường và giảm tải ùn tắc giao thông.

Hà Nội không vội không xong

Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu thay đổi căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn như ô nhiễm môi trường, rác thải, tắc đường... Đây là các việc khó, theo đồng chí Bí thư Thành ủy, Hà Nội sẽ thực hiện như thế nào?

Thành phố đã thống kê được 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, trong đó có các vấn đề về ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị,...

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành làm việc, không chỉ để góp ý vào các kế hoạch, chiến lược phát triển của Thủ đô trong 5 năm, 10 năm tới mà còn để tranh thủ sự hỗ trợ và chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc.

Riêng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã cho thành lập tổ công tác chung làm nhiệm vụ đôn đốc tiến độ dự án. Thành phố cũng giao Sở GTVT tập dượt, kết nối xe bus công cộng với các tuyến đường sắt này. Hiện nay, dự án đang tiến hành chạy thử trước khi vận hành thương mại.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 4

Hà Nội hoàn thành việc xử lý sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực sau nhiều năm gặp khó khăn. Ảnh: Tiền Phong

Nhiều người rất vui khi biết việc xử lý sai phạm nhà 8B Lê Trực treo lại trong 5 năm qua nhưng tới nay đã kết thúc. Trước rất nhiều áp lực, nhưng với chỉ đạo kiên quyết, các sở, ngành và quận Ba Đình đã hoàn thành việc xử lý sai phạm, trao trả mặt bằng cho chủ đầu tư và hai bên đã thống nhất các phương án xử lý, tạo điều kiện nhanh nhất cho người mua nhà đến ở trước Tết Tân Sửu, cải thiện bộ mặt đô thị, đáp ứng được các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

 Với Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn ( trên địa bàn huyện Sóc Sơn), thành phố xác định mục tiêu phải giải quyết bền vững và lâu dài. Thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết tới các khu xử lý, không để rỉ nước rác, không để người dân phải chặn xe rác. Rà soát, thực hiện ký kết công khai, minh bạch các hợp đồng đấu thầu, thu gom rác từ năm 2021.

Mới đây, tôi đã tới Nam Sơn và thấy môi trường được cải thiện rất nhiều. Đồng thời, thành phố và chủ đầu tư đang phấn đấu trong quý I/2021 lắp đặt 2 tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện rác Nam Sơn và khoảng tháng 5/2021 vận hành toàn bộ nhà máy, dự kiến xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, phát ra được 75-100 MW điện.

Trong buổi làm việc giữa Thành uỷ với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Bộ đã ưu tiên đưa các nhà máy điện rác mà Hà Nội đã đăng ký, trong đó có Nhà máy điện rác Nam Sơn bổ sung vào quy hoạch điện 8. Hiện nay còn một số nhà máy nữa ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sơn Tây… Như vậy, mỗi ngày Hà Nội có thể xử lý khoảng hơn 6.000-7.000 tấn rác. Việc này vừa giải quyết căn bản được tình trạng đốt rác gây ô nhiễm, vừa hạn chế được chôn lấp rác, lại tạo ra năng lượng điện.

 Ngoài những “bài toán khó” đó, khai thác cát sỏi trái phép trước đây cũng là vấn đề rất nhức nhối của Hà Nội. Nhưng trong kỳ họp HĐND cuối năm 2020, Thành phố đã chất vấn quyết liệt nội dung này, sau đó xử lý nghiêm một loạt tàu khai thác cát trái phép nên đã tạo ra tính răn đe rất cao,...

 Lâu nay nhiều người vẫn nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, “Hà Nội không vội không xong”. Nhiều vấn đề của thành phố không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Thành phố đặt mục tiêu ngay trong năm 2021 phải tạo ra được những chuyển biến mà người dân nhìn thấy được. Ngoài những vấn đề nói trên, những việc phải làm được ngay là xây dựng thêm những công viên cây xanh, kể cả công viên “mini”. Thành phố đã chỉ đạo, tất cả đất xen kẹt, chỗ nào có thể bố trí làm công viên cây xanh được thì phải bố trí xây dựng ngay. Trong vòng 1-2 năm tới, thành phố sẽ chỉ đạo hoàn thành cải tạo tất cả các chợ dân sinh; tăng cường các biện pháp chống ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường sống, giảm khói, bụi; tăng tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt...

Với một thành phố đặc biệt, một đô thị đặc biệt như Hà Nội giữa nhu cầu phát triển lớn và khả năng, nguồn lực còn hạn chế như thế này thì nảy sinh các vấn đề phức tạp là đương nhiên và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Nhưng quan trọng là quyết tâm của thành phố thế nào, nếu thấy được quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất trong giải quyết các vấn đề, người dân chắc chắn sẽ đồng tình ủng hộ. Thành quả phát triển mà người dân không thụ hưởng thì thành quả đó cũng không có ý nghĩa gì; trước khi làm được việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành.

Nhân tài phải biết nói ngược

 Thành phố Hà Nội vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Với cơ cấu đội ngũ nhân sự Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố mới, Hà Nội có những thuận lợi và khó khăn gì để triển khai nhiệm vụ và Hà Nội sẽ có kế hoạch như thế nào để thu hút, trọng dụng nhân tài hiệu quả?

Đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội là nguồn lực vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển nhanh, bền vững thành phố. Cùng một mặt bằng như nhau, nhưng một người được thực hành nhiều, xử lý công việc nhiều, có nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức mới sẽ thành thạo việc và giỏi hơn. Hà Nội, TPHCM hay các thành phố lớn khác có khối lượng công việc khổng lồ, cán bộ làm việc nhiều, nên có kiến thức thực tế nhiều hơn, có nhiều điều kiện giao lưu, học hỏi nhiều hơn các địa phương khác nên sẽ thành thạo hơn.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 5

Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa ủy quyền của Thủ tướng trao quyết định phê chuẩn 5 tân Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: PV

Trong cơ cấu nhân sự của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ này, có 6 cán bộ trẻ, (dưới 40 tuổi), chưa đạt yêu cầu của Trung ương, nhưng cơ cấu nữ của Hà Nội lại bảo đảm tốt, chiếm gần 20%. Còn trong Ban Thường vụ Thành uỷ có 4/16 đồng chí là nữ, chiếm 25%. So với các địa phương khác, tỷ lệ cán bộ nữ tại Hà Nội đạt cao nhất.

Ngoài việc phấn đấu bảo đảm cơ cấu về độ tuổi, giới, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, không ngừng nâng cao chất lượng, đạo đức công vụ và lý tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nghị quyết Đai hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đặt ra nhiệm vụ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, không để lọt những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ, đồng thời không để sót những người có đức, có tài. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Thành phố cũng đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhà khoa học, trí thức trẻ và chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, trung thành, sáng tạo, gương mẫu. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và xử lý kịp thời các vấn đề chính trị. Chủ động đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.

Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, đặc biệt đội ngũ cấp chiến lược của thành phố, nhằm khắc phục tình trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ như khi các lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ trước cùng lúc nghỉ hưu.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 6

Thành phố Hà Nội vừa tuyên dương 88 thủ khoa năm 2020, trong đó, 30 thủ khoa đã đăng ký công tác tại thành phố. Ảnh: PV

Đồng thời, khắc phục tình trạng cán bộ chiến lược không đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, không đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Cùng với đó, thành phố sẽ có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Hà Nội có quan điểm thu hút người tài không phải chỉ là vấn đề trả lương, mà phải cho họ công việc và môi trường làm việc để họ được cống hiến, được lãnh đạo lắng nghe và tôn trọng. Với chính sách lương mới, chúng ta làm theo năng lực và hưởng theo đóng góp. Điều quan trọng là phải tin tưởng đội ngũ ấy và có cách sử dụng cán bộ hợp lý. Với đội ngũ nhân tài này, đừng nghĩ phải đào tạo họ lên quản lý, mà cần tập trung đào tạo chuyên gia.

Trong nghị quyết của Trung ương về cải cách tiền lương, từ Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được toàn quyền sử dụng nguồn tiền lương này để chi trả, thu hút nhân tài. Địa phương nào cân đối được nguồn lực có thể trả lương cao hơn so với mặt bằng chung 1,8 lần. Đây cũng là công cụ quan trọng để Hà Nội bảo đảm thu hút tốt hơn nhân tài.

Chúng tôi cũng rất vui mừng khi 88 thủ khoa lần này đã có 30 người đăng ký công tác tại Hà Nội trên các lĩnh vực. Chúng tôi cho rằng, người tài phải biết phản biện, biết nói “ngược” so với những suy nghĩ thông thường, nhưng mang lại hiệu quả cao, vì sự nghiệp chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Quy hoạch sông Hồng để có dư địa phát triển

 Từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí rất quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để tạo động lực phát triển cho Hà Nội. Những khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ được giải quyết như thế nào, thưa đồng chí? Với các dự án đô thị vệ tinh, lộ trình như thế nào?

 Hà Nội đang triển khai Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo Quyết định đó mới đạt 86%. Bốn quy hoạch phân khu nội đô của Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa được xây dựng từ 3 đến 4 năm qua, về cơ bản sẽ được giải quyết xong trong năm 2021. Còn các quy hoạch phân khu sông Hồng trải dài trong phạm vi khoảng 120km sông Hồng chảy qua Hà Nội, từ khu vực Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… chảy qua các quận nội thành, vòng xuống Thường tín, Phú Xuyên… 

 Trong 40 – 60km chạy qua đoạn trung tâm là các phân khu sông Hồng. Quy hoạch phân khu sông Hồng vướng nhất về quy định đỉnh lũ, thoát lũ. Vấn đề này đặt ra rất lâu, Hà Nội cũng đã thuê các đơn vị thiết kế để làm. Theo quyết định của Thủ tướng, tốc độ thoát lũ trên sông Hồng qua Hà Nội phải là 20.000 mét khối/giây; đỉnh lũ là 13,5 mét. Với cao độ đó, xác suất 500 năm mới xảy ra một lần. Bây giờ có Thủy điện Lai Châu rồi, khả năng các thông số còn thấp hơn nữa. Nhưng Hà Nội vẫn căn cứ vào thông số hiện nay, sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy hoạch phân khu này, trình Thủ tướng xem xét thông qua.

Bí thư Hà Nội: Phải làm tốt từ những việc nhỏ người dân mới tin tưởng ảnh 7

Hà Nội đang quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

Có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Dọc theo tuyến này có khoảng 1 triệu dân. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này, bởi khi chưa có quy hoạch, theo quy định đất đai ngoài bãi chỉ cho thuê thời hạn không quá 5 năm. Sau 5 năm phải đấu thầu lại, nhà đầu tư rất ngại chuyện đầu tư khoa học công nghệ vì lo ngại không trúng thầu lại. Bây giờ đất bãi rất nhiều mà chưa sử dụng được.

Nếu làm được quy hoạch, diện mạo đô thị mới khang trang hiện đại được. Cùng với quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, lúc đó Hà Nội mới có dư địa phát triển. Nhưng trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống lũ. Đó là nguyên tắc tối thượng. Không được phép để xảy ra rủi ro cho thành phố. Sắp tới đây, chúng tôi có thể thi ý tưởng về thiết kế quy hoạch, sau đó triển khai làm. Cộng với đó là quy hoạch sông Đuống. Rồi đặt ra vấn bảo tồn và phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn nghiên cứu Cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ thì sẽ tạo không gian văn hoá đặc sắc của Thủ đô.

Cán bộ phải gương mẫu đi đầu

Thưa đồng chí, để phát huy giá trị văn hoá và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô, chúng ta cần phải làm những gì?

Theo tôi trước hết cần phải bắt nguồn từ tính gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nhằm thu hút, vận động Nhân dân thực hiện theo. Cán bộ, công chức luôn có ý thức rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức và không ngừng nâng cao năng lực trình độ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Thủ đô và đòi hỏi của Nhân dân, sẽ góp phần quan trọng tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đảng, chính quyền.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố cần khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân Thủ đô tinh thần tự hào, tình yêu với Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa, đất địa linh nhân kiệt, người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, Thành phố hoà bình, hữu nghị, Thủ đô anh hùng; từ đó để mỗi người thấy rõ trách nhiệm đối với Hà Nội để “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỳ vọng của Nhân dân cả nước.         

Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!

MỚI - NÓNG