Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Siết chặt kỷ luật công vụ, chống quan liêu, sách nhiễu

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: HNM
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: HNM
TPO - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, nhất là người đứng đầu, gắn bó mật thiết với nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân và doanh nghiệp, chống quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Sáng 22/4, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn thành phố học tập, quán triệt tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, các Phó Bí thư Thành ủy - Trưởng ban chỉ đạo các Chương trình sẽ trực tiếp là báo cáo viên, quán triệt nội dung của từng chương trình; thể hiện ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tinh thần nghiêm túc trong việc triển khai các chương trình công tác của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Siết chặt kỷ luật công vụ, chống quan liêu, sách nhiễu ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội sáng 22/4

Ông Dũng lưu ý, hội nghị cần nhận thức sâu sắc việc học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng. Do vậy, việc tổ chức học tập, quán triệt phải thực sự thiết thực, hiệu quả, nghiêm túc, gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Nêu rõ hạn chế, khuyết điểm

Ông Dũng yêu cầu các bí thư cấp ủy chỉ đạo nghiêm túc việc học tập, quán triệt tại địa phương, đơn vị,cũng như chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, nắm được nội dung các Chương trình công tác của Thành ủy về các kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Trên cơ sở đó, từng cán bộ, đảng viên phải là nhân tố tích cực góp phần cùng cả hệ thống chính trị của thành phố tổ chức thực hiện; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân đồng thuận ủng hộ, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

"Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy phải được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng, gắn với việc chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước", ông Dũng nói.

Định hướng những vấn đề cần đột phá

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức tuyên truyền, quán triệt tới cơ sở, tập trung gợi ý và định hướng những nội dung và vấn đề cần đột phá trong thời gian tới, kịp thời lý giải những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung các chương trình; chủ động định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tích cực trong xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái.

Ông Dũng lưu ý, về cụ thể nội dung 10 chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố. Các chương trình được kết cấu với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ biện chứng và logic với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia và ngược lại.

Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các chương trình phải thường xuyên trao đổi, phối hợp, giao ban để cùng đưa ra những quyết sách kịp thời, hiệu quả nhằm triển khai thắng lợi tất cả các chương trình.

Đối với các cấp ủy trực thuộc Thành ủy cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy; đồng thời rà soát, cập nhật bổ sung nội dung của 10 chương trình này vào các chương trình công tác của cấp ủy cấp mình để tổ chức triển khai đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Trách nhiệm người đứng đầu

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy và việc xây dựng chương trình hành động thực hiện chương trình công tác của mỗi địa phương, đơn vị; khắc phục triệt để bệnh hình thức, qua loa, đại khái. Kịp thời phát hiện, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu, học tập.

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, nhất là người đứng đầu, gắn bó mật thiết với nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân và doanh nghiệp, chống quan liêu, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đoàn kết phát huy dân chủ; coi trọng kiểm tra việc sử chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm", ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG