Sharp Việt Nam khẳng định: thư xác nhận của Asanzo là giả mạo
Chiều 19/9, dưới danh nghĩa là công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn Sharp, ông Masashi Kubo, Tổng Giám đốc Cty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (SVN) đã ký văn bản thông báo phản bác thông tin về mối quan hệ hợp tác giữa Asanzo và Sharp-Roxy (Hồng Kông, thuộc Tập đoàn Sharp).
Theo SVN, trước đó Cty CP Tập đoàn Asanzo (gọi tắt Asanzo) công bố trước công chúng tại buổi họp báo ngày 17/9 về bằng chứng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản thông qua thư xác nhận của Sharp-Roxy (Hong Kong, gọi tắt SRH) về mối quan hệ hợp tác của SRH với Asanzo vào ngày 12/9/2019.
Tuy nhiên, SRH đã công bố việc kết thúc liên doanh cùng Cty Điện tử Roxy vào ngày 31/10/2016. Cụ thể, ngày 25/9/2016, Tập đoàn Sharp đã kết thúc việc liên doanh cùng Cty Điện tử Roxy và SRH trở thành công ty con 100% vốn sở hữu bởi Tập đoàn Sharp. Tiếp đó, ngày 31/10/2016, công ty đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty từ Sharp-Roxy (Hồng Kông) thành Cty TNHH Sharp Hong Kong.
Do đó, theo SVN, việc SRH xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12/9/2019 là không thể xảy ra. “Do đó, chúng tôi tin rằng, là thư xác nhận bởi SRH được công bố bởi Asanzo trong buổi họp báo của họ vào ngày 17/9/2019 là giả mạo. Vì thế nội dung mà Asanzo đưa ra “Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực” là không đúng sự thật”, SVN khẳng định.
Thông cáo báo chí của Tập đoàn Sharp phủ nhận vẫn còn có quan hệ với Asanzo
Chưa dừng lại ở đó, Tổng giám đốc SVN Masashi Kubo còn bức xúc cho rằng, việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được xây dựng hơn 107 năm qua bởi Tập đoàn Sharp. Điều này, theo ông Masashi Kubo không thể chấp nhận được. “Chúng tôi, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu”, vị Tổng giám đốc khẳng định.
Asanzo nói gì?
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho hay: “Quan hệ của chúng tôi thì họ cũng chả biết được. Chúng tôi có quan hệ từ những năm trước. Đồng ý là có thể quan hệ đã hết hiệu lực. Thế nhưng họ cũng chỉ xác nhận có quan hệ với chúng tôi chứ có nói bao nhiêu năm đâu. Không hiểu vì sao Tập đoàn Sharp không thông báo cho chúng tôi biết trước về vấn đề này?”.
Ông Tam cũng cho biết trong chiều 19/9 đã cho người bay sang Hồng Kông để sáng mai (20/9) làm việc lại với đối tác. “Trước giờ chúng tôi đều không làm trực tiếp mà thông qua bên thứ 3 họ làm thủ tục nhập khẩu. Họ phải có trách nhiệm cung cấp hợp đồng cho chúng tôi để đưa cho mọi người biết. Chúng tôi sẽ đi xác nhận lại xem tại sao họ lại thông tin như thế? Khả năng ngày mai sẽ có kết quả thông tin lại”, ông Tam chia sẻ.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Thế hợp đồng hợp tác giữa Asanzo với Sharp Roxy Hong Kong không ghi thời hạn à?”, ông Tam trả lời: “Có, vẫn còn chứ. Ý tôi muốn giải thích vì sao chúng tôi định nghĩa “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là có lý do. Chúng tôi đang xác nhận lại. Không hiểu Tập đoàn Sharp có ý đồ gì khi ra thông cáo báo chí như trên”.
Chưa kết luận có tội đã đi "minh oan"
Tại buổi họp báo ngày 17/9 với lý do để công bố kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho hay, 89 ngày bão táp qua đã khiến công ty bị thiệt hại 1.000 tỷ đồng.
Theo thông tin mà Asanzo cung cấp cho báo chí, công ty "được minh oan" căn cứ vào hai văn bản của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, ngày 1/8/2019, Tổng Cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Căn cứ thứ hai để Asanzo nói được minh oan là dựa vào văn bản làm việc của Tổ công tác thuộc VCCI xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa của Asanzo. Theo đó, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Ông Tam cho hay, dù sóng gió nhưng ông sẽ không bỏ cuộc. Asanzo cũng sẽ hướng thành một công ty trong ngành tiêu dùng, đồ điện tử trong 5 năm tới…
Sau phần thuyết trình của lãnh đạo Asanzo, ông Trần Đức Hoàng, Luật sư thuộc công ty tư vấn pháp lý cho Asanzo đứng ra trả lời hầu hết các câu hỏi của báo chí. Ông Hoàng cho hay, Asanzo đang có 3 cáo buộc liên quan đến giả xuất xứ, vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng. Về những vấn đề liên quan nộp thuế cũng như việc 14 công ty đối tác làm ăn của Asanzo đột nhiên biến mất, ông Hoàng cho rằng, Asanzo không có vi phạm về thuế và công ty luôn mong muốn được đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Dù không trả lời trực tiếp câu hỏi của PV Tiền Phong xung quanh việc Asanzo căn cứ vào hai văn bản của cơ quan quản lý (một của Tổng cục Quản lý thị trường và một văn bản buổi làm việc với tổ công tác VCCI) có đủ căn cứ pháp lý để kết luận và tuyên bố Asanzo được minh oan mà không có sự chứng kiến của các cơ quan quản lý tại cuộc họp báo, ông Hoàng cho rằng, với hai văn bản trên, hiện tại chưa có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kết luận ông Tam hay Asanzo có vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa như một số tờ báo đã quy kết?
Khi PV Tiền Phong nhắc lại câu hỏi “hai văn bản này có đủ bằng chứng để khẳng định Asanzo được minh oan không?”, đại diện pháp lý cho Asanzo tiếp tục lặp lại câu trả lời về việc đến nay chưa có cơ quan nào kết luận Asanzo sai. Khi được hỏi tiếp về việc không có cơ quan quản lý nào kết luận Asanzo sai vậy sao công ty lại phải đưa ra thông điệp “được minh oan”, ông Phạm Văn Tam liền trả lời thay phần luật sư và cho rằng, phải làm điều này vì đã có cơ quan báo chí nói công ty gian lận xuất xứ.