'Bị' tài trợ thoát nghèo

Ông Vi Xuân Toong (Lạng Sơn) bất bình với việc đăng ký keo hạt bị nhận keo hom hại đất
Ông Vi Xuân Toong (Lạng Sơn) bất bình với việc đăng ký keo hạt bị nhận keo hom hại đất
TP - Đường liên thôn mỏng dính không lót đá, mương dẫn nước xây quấy quá gây sụt đất, thất thoát nước, đặt cống sai khi làm đường dẫn đến ngập úng nhà dân, đăng ký cây giống keo hạt lại phải nhận keo hom hại đất… đó là những sai phạm từ nhiều dự án “giảm nghèo bền vững” do chính bà con dân tộc tại 10 tỉnh phát hiện và lên tiếng.

Mới đây, Hội thảo “Nghe từ lòng dân” (Báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) đã gây ngạc nhiên trước khách mời tham dự bởi nội dung, thiết kế chương trình đều do 50 thành viên Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói của người dân tộc thiểu số thực hiện.

'Bị' tài trợ thoát nghèo ảnh 1 Mã A Pho người quay clip hiện trạng con mương tại thôn Má Tra

Hoạt động “Nghe từ lòng dân” được các thành viên Tiên Phong triển khai tại 10 tỉnh, sử dụng phương pháp nghiên cứu điển hình và ghi, chụp hình ảnh bằng các phương tiện sẵn có như điện thoại, máy ảnh cầm tay. 100% các thành viên tham gia hoàn toàn tự nguyện và không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào trong quá trình đi khảo sát “Chúng tôi tự bỏ tiền xăng đi hỏi chuyện bà con vì thấy tiền của tài trợ người nghèo đều là thuế của dân mà lãng phí quá”. Kết quả đánh giá thể hiện tiếng nói độc lập của Mạng lưới Tiên Phong, cung cấp thêm góc nhìn đa chiều, hướng tới những thảo luận mở về việc xây dựng các chính sách đúng đắn, phù hợp hơn trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.

Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2018, các thành viên gặp gỡ trực tiếp hơn 100 hộ dân thuộc đối tượng hưởng lợi của chương trình 30A và 135 thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn các tỉnh như Thanh Hoá, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Trị, Sóc Trăng, Yên Bái…

Cho cái người ta không cần

Kể về chương trình hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo tại xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bà Lý Thị Hồng Kiều, người Khmer vừa nói vừa sụt sùi khóc. Nhiều hộ nghèo được dự án xây cho căn nhà Tình thương diện tích 6 x 4 mét xong thì bị cắt bảo hiểm y tế với lý do “có nhà coi như thoát nghèo”. Các gia đình đó có người già ốm đau không dám đi viện, có người muốn trả lại nhà “ở lều tạm bợ mà được bảo hiểm và trợ cấp vài trăm mỗi tháng cho hộ nghèo còn hơn!”.

'Bị' tài trợ thoát nghèo ảnh 2 Mương nước xây dối bị dân đục phá lung tung tại thôn Má Tra (xã Sa Pả, Sa Pa,  Lào Cai)

Chị Nguyễn Thị Miền và chị Trần Thị Hạnh là hai hộ đơn thân, thuộc diện hộ nghèo tại xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Theo chương trình 135 hỗ trợ sản xuất tại xã, mỗi hộ nghèo và cận nghèo được lựa chọn nhận hỗ trợ cây giống, phân bón và máy cắt cỏ với tổng trị giá không quá 3 triệu đồng. Các chị nhận máy cắt cỏ, nhưng mang về nhà để không.

Các chị chia sẻ: “Cây giống thì không có đất để trồng, nếu lấy phân thì tôi muốn lấy phân ba màu nhưng chỉ có phân đạm nên tôi không lấy. Tôi lấy máy cắt cỏ nhưng cũng không dùng, nếu như không bán thì chỉ để đấy như cục sắt. Như thế này gia đình không xóa đói giảm nghèo được. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn máy bơm”.

Gia đình anh Vi Xuân Toong, thuộc diện hộ cận nghèo ở thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/năm. Theo chương trình 135 phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, năm 2018 gia đình anh được cấp 3.000 cây keo giống để cải thiện kinh tế gia đình. Các hộ trong thôn đăng ký lấy cây keo hạt, cuối cùng lại được cấp keo hom. Theo anh Toong, cây keo hom dễ bị mối ăn, bán không được giá vì chỉ làm được nguyên liệu giấy, không như keo hạt dùng để đóng đồ và làm nhiều thứ được. Giá cây tại trại giống là 500 đồng/cây, mang về tới các hộ dân giá là 1.000 đồng/cây. “Làm vất vả, gánh lên trên đồi xa 6-7 cây số để trồng mà không hiệu quả. Hợp đồng là cho dân lên trại giống để lấy, phải được xem, nhất trí thì mới chở về. Cuối cùng, không được bàn, không được kiểm tra”, anh nói. Còn rất nhiều ví dụ tại các địa phương khác về tình trạng cây giống và phân bón tài trợ “lệch nhu cầu” bị vứt bỏ đầy vườn.

“Tôi lấy máy cắt cỏ nhưng cũng không dùng, nếu như không bán thì chỉ để đấy như cục sắt. Như thế này gia đình không xóa đói giảm nghèo được”.

Chị Nguyễn Thị Miền

Tại Hội thảo một trưởng thôn được mời đến phản biện, ông thanh minh: “Tôi nhận được số lượng và loại cây giống qua điện thoại, chứ có được quyết gì đâu”. Không ít người nghèo thổ lộ “Nhà nước cho thì cứ lấy cho đỡ thiệt” hoặc “Lần này không nhận, lần sau không được hỗ trợ tiếp nữa”.

Năng lực cảm nhận sự lãng phí

Anh Mã A Pho đến Hội thảo với một clip tự quay, trong clip anh cũng là nhân chứng con mương xây dối tại thôn Má Tra (xã Sa Pả, Sa Pa, Lào Cai) quê anh. “Theo chương trình 135, họ làm con mương 2.000 mét cấp tập trong một tháng rưỡi. Dân không biết, không được bàn bạc gì, giám sát lại càng không. Đây là mương dẫn nước sạch, lẽ ra ở ngã ba rẽ ra hai thôn khác nhau họ phải làm một đường song song thì đây lại chập một cho rẻ. Xảy ra tình trạng thôn này muốn lấy nước, lại chặn nguồn của thôn kia. Nhiều đoạn đất sụt, đường ống bị nứt rò rỉ. Họ xây mương mà không khoét lỗ để dân bắc ống lấy nước, thế là mạnh nhà nào nhà ấy đục phá tự khoét, nước tràn lung tung, phí lắm.

Công trình Đường giao thông liên nội thôn Đồi Công xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thuộc đề án Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016- 2020. Tổng độ dài đoạn đường là 500m, giai đoạn I thi công 174m. Theo thiết kế, con đường rộng 3m, dày 20cm. Theo lời một cán bộ thôn, người trực tiếp giám sát công trình: “Tôi thấy họ làm kém chất lượng, tôi ý kiến lên thì bên thi công nói “đây không phải việc của anh”.

'Bị' tài trợ thoát nghèo ảnh 3 Chị Nguyễn Thị Miền với chiếc máy cắt cỏ không dùng đến

Công trình đường liên thôn Giầu Cả - Cốc Cáo tại xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài theo thiết kế là 7km, rộng 3m, độ dày bê tông 25cm. Công trình bắt đầu thi công vào khoảng tháng 10/2016, đến tháng 10/2018 mới hoàn thành được 2km. Người dân nơi đây không một ai biết rõ con đường được làm hết bao nhiêu tiền, từ nguồn vốn nào.

Nhiều người dân cho rằng làm con đường này thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, do vị trí một số cống đặt không phù hợp với địa hình nước chảy và thi công trong thời gian quá dài, nên đã hư hỏng nhiều và gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một số hộ và diện tích hoa màu phía dưới con đường.

Gia đình bà Trương Thị Nga bị ảnh hưởng trực tiếp từ công trình, bà có ý kiến với thôn, ông bí thư trả lời: “Thiết kế từ trên đưa xuống thì phải chịu, không biết ý kiến với ai”.

Quan niệm “Nhà nước cho”, “của Nhà nước” đang tồn tại khá phổ biến ở cả người triển khai, thực thi chính sách và người tiếp nhận chính sách, và trở thành một rào cản lớn đối với việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân. Nhiều nhà văn hóa cộng đồng ở Tây Nguyên chỉ dùng làm chỗ thu tiền điện do xây sai hướng, trang thiết bị không đúng nhu cầu,v.v.

Khi người dân không được tham gia đúng nghĩa, thì luôn ở trong tâm thế người thụ hưởng. Sự thờ ơ này sẽ biến thành sự tư lợi, điển hình như việc không cần nhưng vẫn cứ lấy. Thậm chí, dần dần nó có thể tạo ra sự phá hoại một cách lén lút, ví dụ như nhận tiền trồng rừng tính theo số cây trồng, sau khi nghiệm thu, người dân lén lút lắc cây cho rễ bật lên cho cây chết, để năm sau nhận thêm cây về trồng lấy tiền.

Những phát hiện lãng phí kể trên chỉ là những hạt muối rất nhỏ trong biển “hoang phí” tiền thuế dân trong các công trình nhà nước. Không thể sánh được với phát giác “đường 34 tỉ” nhưng kết quả đánh giá đáng trân trọng này có thể được nhân rộng trở thành trào lưu xã hội nếu như mỗi người dân tự phát huy hoặc được giáo dục từ nhỏ năng lực cảm nhận sự lãng phí.

'Bị' tài trợ thoát nghèo ảnh 4  

Những định kiến “dân biết gì mà bàn”, không coi trọng tri thức địa phương xuất hiện ở nhiều nơi, quên mất rằng người dân chính là người hiểu rõ nhất về địa bàn họ sinh sống và các niềm tin, thực hành văn hóa của cộng đồng họ.

MỚI - NÓNG