Bí quyết “săn vé” xuất ngoại miễn phí

Bí quyết “săn vé” xuất ngoại miễn phí
Sinh viên cần bắt đầu và tích lũy thế nào để “săn” được những tấm vé xuất ngoại, ngay từ năm thứ nhất? vài tư vấn của hai “thợ săn”: Trương Văn Lộc (trường ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM) và Vũ Đỗ Khanh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) sẽ cung cấp cho bạn những “bí kíp” thiết thực.

> Cô nàng 9X 'hoang dã'

> Kinh nghiệm bỏ túi khi du học ở Australia

Nắm bắt được nguồn tin

Trương Văn Lộc
Trương Văn Lộc.

Trương Văn Lộc cho biết, hiện nay, có rất nhiều chương trình giao lưu quốc tế dành cho sinh viên, một trong những yếu tố đầu tiên để “săn vé” chính là việc nắm bắt được nguồn thông tin, mỗi khi có chương trình thông báo tuyển đại biểu hay người tham gia. Các bạn có thể tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn: Các chương trình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (cập nhật trên website: doanthanhnien.vn), ví dụ: “Tàu Thanh niên Đông Nam Á”, “Giao lưu thanh niên ASEAN – Ấn Độ”…; các cơ hội dành cho thí sinh nộp đơn tự do qua các tổ chức quốc tế, được cập nhật tại những kênh: My Your Opportunity, Youth Opportunities, Opportunities Desk, Heysuccess.com, ASEAN Youth Volunteer Network…; với những sinh viên học tập tại các trường đại học có liên kết với đối tác nước ngoài, các bạn cũng có thể tìm cơ hội qua cổng thông tin của trường.

“Mỗi khi được tham gia một chương trình, mình thường tự viết lại cảm nhận của bản thân và những điều trải nghiệm, học hỏi được từ đó. Khi chuẩn bị hồ sơ tham dự một chương trình mới, mình đọc lại những cảm nhận cũ, rồi có thể rất bất chợt nảy ra ý tưởng mới, dựa trên những trải nghiệm sẵn có. Không biết có phải nhờ những thứ thực tế và gần gũi như vậy giúp mình “khác biệt” hay không nhưng điều mình chắc chắn là ít nhất, mình phải là người hiểu và thích hồ sơ của mình thì mới tự tin đi tiếp”, Lộc nói.

Theo Lộc, việc tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, Đoàn, Hội tại trường hay các tổ chức thanh niên bên ngoài nhà trường sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm rất khác biệt. Nó còn làm dày thêm vốn kiến thức thực tế, xã hội và xây dựng background cho các bạn, làm tiền đề cho việc chuẩn bị hồ sơ tham dự các chương trình giao lưu, học hỏi về sau. Từng bước một, các hoạt động nhỏ sẽ là tiền đề giúp các bạn tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động, chương trình lớn hơn và cứ thế đi tiếp.

3 yếu tố để có bộ hồ sơ tốt

Theo kinh nghiệm của Vũ Đỗ Khanh, để có một bộ hồ hơ ứng tuyển tốt cho các chương trình giao lưu quốc tế thì sinh viên cần phải hội đủ 3 yếu tố sau:

Một là, hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chương trình dự định tham gia. Hãy gửi đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ theo đúng thời hạn đặt ra của chương trình. Có những chương trình yêu cầu từ CV, bài luận, chứng nhận trình độ ngoại ngữ (IELTS, TOEFL), bảng điểm (Transcript), đến cả giấy khám sức khỏe (Health Condition Certificate) nhưng cũng có các chương trình chỉ cần hoàn tất application form: “Tùy điều kiện đặt ra của mỗi chương trình mà chúng ta nộp hồ sơ sao cho đủ và đúng. Kinh nghiệm của mình là những giấy tờ có thể chuẩn bị trước như: Bảng điểm, chứng nhận ngoại ngữ, giấy khám sức khỏe thì đầu học kỳ có thể chuẩn bị sẵn nhiều bản và để dành khi có cơ hội thì apply luôn, không phải mất thời gian đi lấy bảng điểm hay công chứng nữa”.

Hai là, hồ sơ phù hợp với chương trình định tham gia. Nhiều bạn apply đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn rớt bởi hồ sơ tuy đầy đủ song lại không phù hợp với tiêu chí của chương trình: “Ví dụ, chương trình có chủ đề về chính trị như ASEAN Youth Congress mà mình từng tham gia thường ưu tiên sinh viên học các ngành Khoa học xã hội hơn những bạn học khối Khoa học tự nhiên; chương trình có chủ đề về Children care thì những bạn có kinh nghiệm làm việc với các NGO về quyền trẻ em sẽ được ưu tiên xem xét”.

Vũ Đỗ Khanh
Vũ Đỗ Khanh.

Các chương trình thường tìm kiếm ứng viên phù hợp nhất chứ không phải người giỏi nhất. Vì vậy, trước khi apply cho bất kỳ chương trình nào, các bạn nên tìm hiểu các thông tin liên quan, những điều kiện của chương trình và xem xét mình có hội đủ các tiêu chí mà chương trình cần không.

Ba là, tạo điểm khác biệt. Các chương trình giao lưu quốc tế thường có số lượng lớn hồ sơ apply nên muốn nhà tuyển dụng chú ý đến mình thì chúng ta phải áp dụng nhiều phương pháp để làm nổi bật hồ sơ theo hướng tích cực và phù hợp.

Một đặc điểm thú vị của các chương trình giao lưu là hay cho thí sinh làm một bài luận ngắn (essay) để chứng minh khả năng cũng như lột tả được tính cách ứng viên. “Với riêng mình, trước khi viết essay, mình luôn tự nghĩ với chương trình này thì nhà tuyển dụng sẽ muốn đọc gì rồi sau đó triển khai các ý theo hướng mà bản thân mình nghĩ giảm khảo sẽ muốn đọc và quan tâm nhất. Ví dụ, khi apply cho chương trình Diễn đàn môi trường cho sinh viên châu Á tại Nhật Bản, vì chương trình yêu cầu sự sáng tạo trong cách giải quyết các vấn đề môi trường nên mình chọn làm một essay bằng hình thức inforgraphic (sử dụng hình ảnh để miêu tả trực quan) nhằm làm người đọc hứng thú và quan tâm đến nội dung bài viết. Với những chương trình nghiêng về chính trị – ngoại giao thì mình lại làm essay dưới dạng bài viết học thuật để chứng tỏ trình độ và khả năng đại diện cho đất nước của mình”.

Ngoài ra, ngoại ngữ và kinh nghiệm luôn là hai điểm nhấn đáng giá làm nổi bật hồ sơ của bất kì thí sinh nào, đặc biệt là ngoại ngữ vì chương trình nào cũng luôn yêu cầu ứng viên phải có khả năng thông hiểu xuyên suốt chương trình. Tốt nhất, các bạn nên có trong tay chứng chỉ IELTS từ 7.0 hoặc TOEFL IBT từ 90 trở lên. Với những bạn chỉ vừa đạt chuẩn IELTS 6.5 hoặc TOEFL IBT 80 thì sẽ rất khó cạnh tranh.

Các bạn cũng nên tập trung vào một mảng lĩnh vực cụ thể: Môi trường, kinh tế… Các nhà tuyển dụng luôn thích những ứng viên có thâm niên hoạt động chuyên sâu trong một lĩnh vực hơn là những ứng viên lan man, mỗi lĩnh vực hiểu và làm một ít.

“Mình nghĩ, với sinh viên năm thứ nhất, các bạn nên thử tham gia nhiều lĩnh vực để xác định niềm yêu thích của mình nằm ở đâu và tiếp tục đào sâu vào lĩnh vực ấy khi đã lên năm thứ hai. Như bản thân mình, năm thứ nhất, mình tham gia khá nhiều câu lạc bộ và chương trình nhưng lên năm thứ hai, mình xác định mục tiêu là các hoạt động giao lưu quốc tế nên chỉ tham gia vào những hoạt động có tính chất đối ngoại và hạn chế tốn công sức vào những lĩnh vực khác”, Khanh “mách nước”.

Trương Văn Lộc

- Đại biểu trẻ nhất đoàn Việt Nam tham dự “Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2012″, tại Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei.

- Một trong 2 đại biểu Việt Nam tại “Hội nghị thượng đỉnh thanh niên ASEAN+9″, tại Jakarta, Indonesia, 2013.

- Một trong 12 đại biểu Việt Nam được chọn tham dự “Chương trình Nhà lãnh đạo môi trường trẻ ASEAN 2013″, tại Malaysia.

- Thành viên mạng lưới tình nguyện viên Đông Nam Á.

Vũ Đỗ Khanh

- Dự Hội nghị Thanh niên Đông Nam Á 2011 tại Jakarta, Indonesia.

- Tham gia Diễn đàn Môi trường dành cho sinh viên châu Á năm 2012, tại Tokyo – Kyoto – Osaka, Nhật Bản.

- Thành viên Dự án Giáo dục văn hóa, khoa học và nghệ thuật cho trẻ em Ấn Độ năm 2013, tại Chennai, Ấn Độ.

Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG