1. Học cách đối diện với vấn đề của mình
Mỗi ngày bạn nên dành 2 lần thư giãn (mỗi lần 15phút) và giải quyết những khó khăn mình đang gặp pảhi. Tiến sĩ xã hội học Trần Thị Kim – giảng viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM có lời khuyên: “Chỉ những ai dám đương đầu, linh hoạt và luôn nỗ lực, quyết tâm để vượt qua những chướng ngại vật trong cuộc sống thì mới có thể thành công”. Đừng hoãn lại hôm sau những gì mình làm được hôm nay.
2. Có niềm tin với cuộc sống
Những người có niềm tin cuộc sống mạnh mẽ sẽ cảm thấy hạnh phúc và xử lý các đợt khủng hoảng tinh thần tốt hơn những người khác. Chuyên viên Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ly hôn và gia đình (FDC) khuyên nhủ: “Bạn nên tự tin nghĩ rằng dù thế nào cũng có giải pháp. Quan trọng là biết lựa chọn giải pháp tối ưu so với hoàn cảnh, mục tiêu của mình. Và tìm về giá trị sống tích cực bằng nhiều cách, có thể là làm từ thiện, giao lưu với cộng đồng…”.
3. Luôn nở nụ cười và thân thiện
Tâm lý thoải mái và hay cười sẽ giúp bạn giảm các hormone gây stress. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Mỹ đã thí nghiệm trên 16 người xem video hài. Kết quả cho thấy mức thay đổi ngay về sinh học. Khi họ xem phim, mức hormone gây stress giảm đáng kể, còn mức endorphin tăng 27% và mức hormone phát triển (lợi ích đối với hệ miễn dịch) tăng 87%.
4. Sống điều độ
Dùng thức ăn đầy đủ, đúng bữa và ngủ trưa hằng ngày. Đồng thời nên dành thời gian để luyện tập thể dục, đi bộ hoặc tập môn thể thao nào đó. Bạn nên đi ngủ từ 8 giờ tối với một cuốn sách hay, sau 60 phút thì tắt đèn. Điều này có thể giúp bạn hưng phấn hơn so với liệu pháp tắm hoặc mát xa.
5. Sức mạnh của thói quen ghi chép
Viết ra giấy những gì cần làm, điều này sẽ giúp đầu óc bạn tinh nhạy, không bị rối trí và không mất thời giờ sắp xếp. Đừng làm một lúc quá nhiều việc, việc nào ra việc ấy, theo TS. Edward Suarez (Giáo sư Tâm lý Y khoa tại Đại học Duke, Mỹ) thấy rằng những người ôm ồm công việc dễ bị cao huyết áp.
6. Thư giãn, tách rời với công việc và cuộc sống hiện tại 1 thời gian
Một tuần không đọc báo, nghe đài, xem thời sự, kiểm tra email hoặc lướt web là cách khá hữu hiệu để đầu óc bạn thư thái, không bị ám ảnh.
7. Tận hưởng cuộc sống
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thói quen nghe nhạc, đọc sách, đi du lịch… rất dễ kích hoạt các phần não người sản sinh cảm xúc hạnh phúc. Ở người lớn tuổi khi được nghe loại nhạc họ thích, đọc quyển sách hay, xem những bộ phim nhẹ nhàng đều có thể giúp họ ổn định nhịp tim và huyết áp.
8. Hãy biết chia sẻ và tâm sự với người khác
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người hay chia sẻ cảm xúc với người khác thường thấy hạnh phúc, thoả mãn cuộc sống và giảm trầm cảm hơn.