LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.
Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi."
Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.
Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.
Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.
Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết này.
* Đọc lại bài 1: Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Không lo xa, ắt có họa gần!
Bí mật thứ ba
LÀM GÌ ĐỂ LƯU DANH SỬ SÁCH?
Một bậc đại danh sinh ra cuối thế kỷ 18 ở Việt Nam, Nguyễn Công Trứ, nói rằng: "Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông!"
Cùng thời đại Nguyễn Công Trứ của, ở nước Nhật, Fukuzawa Yukichi viết "Khuyến học" để cổ vũ người Nhật nói chung, thanh niên Nhật nói riêng tự lực tự cường tư tưởng và hành động, để nước Nhật thoát nghèo nàn lạc hậu, sánh kịp thậm chí vượt qua, các nước phương Tây đang rất phát triển.
Muốn vậy, trước tiên là cần độc lập trong tư tưởng để có tầm nhìn xa trông rộng, nhìn thấy con đường đi (đọc chi tiết). Và con đường ấy, Fukuzawa Yukichi chỉ ra là: Không ngừng nâng cao tri thức để cống hiến cho đất nước.
Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người, nhưng sự học hỏi và rèn luyện quyết định vận mệnh
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" là một câu nói bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Trong "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi dẫn giải lại những tư tưởng vĩ đại này và khẳng định với người dân Nhật Bản rằng: "Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người". Điều đó cũng có nghĩa là: Sự khác nhau trong quá trình trưởng thành, học hỏi và tu luyện sẽ tạo ra những người có vai trò khác nhau trong xã hội, quyết định việc một người có được xã hội nể trọng, thậm chí được lưu danh sử sách hay không.
Chính trong khi giải thích tựa đề cuốn sách, ông cũng viết: "Tựa đề cuốn sách này là Khuyến học nhưng không có nghĩa là tôi khuyên các bạn chỉ có đọc sách. Đề cập tinh thần cơ bản của con người, đề cập mục đích thật sự của học vấn là chủ đích mà tôi muốn nói với các bạn".
Thực tế vẫn luôn tồn tại những khoảng cách một trời một vực giữa các cá nhân giàu - nghèo, sang quý và hạ đẳng. Nguyên nhân tạo ra sự cách biệt này chính là do vấn đề học vấn. Thực ngữ giáo có câu: "Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt". Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác biệt giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.
Trên thế gian có hai việc khó và dễ. Người làm việc khó được xem là người quan trọng, có địa vị cao. Người làm việc dễ có địa vị thấp, bị coi thường. Những việc khó là lao động tri thức, đòi hỏi nhiều chất xám. Việc càng khó, hàm lượng tri thức càng nhiều, địa vị của người làm công việc đó càng cao. Việc dễ là lao động chân tay.
Người làm được việc khó có cuộc sống giàu sang, sung túc đến mức tầng lớp hạ đẳng nằm mơ cũng chưa dám nghĩ tới.
Yukichi tin rằng, con người khi sinh ra ai cũng như ai nhưng sau một thời gian rèn luyện, học hành, có người thành tài, bước lên địa vị cao trong xã hội, có kẻ bị rớt lại ở tầng thấp. Ngạn ngữ có câu: "Trời không ban cho con người phú quý. Chính con người tạo ra giàu sang, phú quý". Có nghĩa, địa vị, sự giàu sang của con người là kết quả của quá trình dài nỗ lực chứ không phải vì vấn đề anh ta được ai sinh ra, được mệnh trời sắp đặt số phận như thế nào.
Trong khi bàn về khái niệm bình đẳng, Yukichi lại thừa nhận khoảng cách, sự phân biệt địa vị xã hội - một thực tế đã diễn ra khắp thế giới nhưng thường bị nhiều nhà tư tưởng chôn vùi. Ông cho rằng, xã hội không thể đòi hỏi sự bình đẳng theo kiểu cào bằng, không thừa nhận sự khác biệt và khoảng cách xã hội. Nếu như thế, xã hội đó sẽ không có sự cạnh tranh và phát triển.
Hiểu rõ thực tế này, mỗi người phải ý thức rằng không còn cách nào khác là phải nâng cao giá trị bản thân thông qua con đường học vấn và trau dồi tri thức. Yukichi khẳng định chắc chắn: "Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc, người vô học sẽ trở thành kẻ thấp kém, nghèo khổ".
Bạn biết chưa?
Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc "khai quốc công thần" của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại.
"Tư tưởng giáo dục khai sáng của Fukuzawa trong Khuyến học tuy đã đi vào lịch sử hơn 150 năm, song giá trị của nó cho đến nay vẫn được khẳng định không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia Đông Á khác" - Ths. Nguyễn Việt Phương, trường Đại học Khoa học Huế, nhận định.
Con đường duy nhất để giúp xây dựng đất nước hùng cường, lưu danh sử sách: CỐNG HIẾN!
Yukichi cho rằng, cống hiến là nhu cầu tối cao của loài người. Đã là con người, không ai sinh ra lại muốn hổ thẹn hơn loài muông thú, sống vật vờ, không có ý nghĩa gì với xã hội.
Ông nói rằng: "Từ xa xưa, có biết bao nhân tài lao tâm khổ tứ đem hết sức mình cho sự phát triển của xã hội. Trong tâm khảm của họ, tiền bạc, công danh không phải là mục đích, là lẽ sống duy nhất. Họ coi trọng nghĩa vụ con người với xã hội. Họ mang trong lòng lý tưởng to lớn và ngày đêm nỗ lực thực hiện hoài bão đó".
Tinh thần cống hiến chính là động lực cho sự phát triển. Lấy ví dụ như chuyện giã lúa mạch thành bột để minh họa. Thời xa xưa, con người chỉ biết lấy cục đá trong thiên nhiên để giã nát lúa mạch. Thế rồi trải qua biết bao nhiêu khó nhọc, họ đã đục đá thành phiến, làm ra cối xay bột. Đến thời nay, con người đã biết sử dụng may xay, cứ như thế, công việc không ngừng được cải tiến. Trong tất cả các lĩnh vực khác, những câu chuyện tương tự xảy ra nhiều vô kể.
Nguyên nhân của sự phát triển không ngừng này chính là vì con người luôn luôn mong muốn được đóng góp cho xã hội. Mấy chục năm sau, chúng ta hẳn cũng muốn nhận được sự biết ơn của người đời sau, giống như lòng biết ơn mà chúng ta hiện đang dành cho các vị tiền bối. Đó là vì nhu cầu cống hiến luôn đi liền với nguyện vọng muốn được xã hội ghi nhận, trân trọng.
Yukichi nói rằng: "Nếu chỉ để kiếm ăn, lo cho gia đình thì chẳng phải các loại côn trùng, muông thú cũng làm được đó sao? Thậm chí loài kiến còn biết làm hang tổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét. Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ cũng chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn".
Người châu Âu có câu: "Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người".
Đặc tính của con người là luôn có khuynh hướng tập hợp lại thành nhóm và thường né tránh các "bước tiến" với những nỗ lực đơn độc, lẻ loi. Càng mở rộng được mối quan hệ với người ngoài thì con người lại càng cảm thấy tự tin, chắc chắn và yên ổn. Nhờ các mối liên hệ với người ngoài đã tạo ra quan hệ giao tiếp giữa người với người và cả lý do để hình thành xã hội nữa.
Một khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với mọi người thì bản thân mỗi con người vẫn còn là một thành viên trong xã hội. Cho nên lẽ đương nhiên là phải có nghĩa vụ với xã hội. Người Trung Hoa xưa có câu: "Cai trị thiên hạ cũng giống như việc biết chia đều, chia công bằng miếng thịt cho mọi người ở chốn hội hè vậy". Và họ còn có câu: "Hãy dọn sạch cỏ ở vườn thiên hạ trước rồi mới dọn cỏ trong sân nhà mình". Cả hai câu nói trên đều thể hiện ý chí mong muốn làm cái gì đấy có ích cho xã hội trước khi nghĩ tới mình. Nếu trong xã hội từ xa xưa mà không có những con người như vậy thì chúng ta ngày nay đâu có được hưởng thành quả văn minh đang tràn đầy khắp nơi trên thế gian?
Theo Yukichi, nếu một cá nhân đã vững vàng tinh thần độc lập và cống hiến, tất cả mọi vấn đề về tư tưởng khác đều được khai thông. Trách nhiệm cống hiến tuy nặng nề nhưng rất nỗi vinh quang.
"Trách nhiệm này thật nặng nề. Không đơn giản là đọc vài chục cuốn sách lý thuyết, trở thành quan chức, thợ nghề, có đủ tiền để nuôi sống gia đình. Như thế mới chỉ dừng lại ở mức độ không làm ảnh hưởng đến người khác, chứ không mở ra, không đem lại con đường làm thế nào sống có ích cho xã hội, cho nhân loại".
Đỉnh điểm cuối cùng của sự cống hiến có lẽ là hy sinh thân mình để bảo vệ lý tưởng. Vì thế, trong cuốn Khuyến học, Yukichi cũng dành nhiều thời gian nói về việc hy sinh như thế nào để xã hội ghi nhận và sự ghi nhận ấy phải thực sự xứng đáng chứ không chỉ vì tuân theo những quan niệm sai trái.
"Một người hầu nọ chủ sai cầm tiền đi mua rượu. Giữa đường người hầu chẳng may đánh mất đồng tiền, phần lo sợ, phần bối rối vì không làm đúng lời chủ dặn, nên treo cổ tự tử trên một cành cây dọc đường.
Lẽ ra, người hầu đáng được lưu danh trong dân chúng vì lòng trung thành của anh ta, cũng giống như lòng trung thành của các nghĩa sĩ trung thần. Vậy thì vì sao người ta không ngợi khen lòng trung thành của người hầu nọ?
Ý nghĩa của cái chết chỉ được đánh giá nặng nhẹ tùy thuộc vào điều đó có lợi gì cho sự tiến bộ của nền văn minh xã hội. Bỏ mình trên chiến trường cho lãnh chúa sau khi đã tiêu diệt hàng vạn quân địch của các nghĩa sĩ, hay tự tử chỉ vì làm mất một cắc bạc của người hầu, suy cho cùng thì cả hai cách chết này giống nhau ở chỗ đều không mang lại ích lợi cho xã hội. Và cũng không thể coi trọng cái chết nào cả. Có thể nói rằng cả nghĩa sĩ lẫn người hầu đều dâng hiến tính mạng một cách uổng phí. Những cái chết như vậy, không thể gọi là "tử vì đạo" được".
* Còn tiếp...* Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.