Bí mật Dinh Tân Xá- nhà nguyện đầu tiên ở Sài Gòn

 Mặt trước của nhà niệm cổ
Mặt trước của nhà niệm cổ
TP - Mùa Noel, chúng tôi theo bước các vị tín đồ và du khách tìm tới ngôi nhà nguyện cổ nhất Sài Gòn đã hơn 200 năm tuổi, ngôi nhà Việt xưa nhất xứ Gia Định năm nào. Đến nay, giới nghiên cứu vẫn còn nhiều mối nghi ngờ về nguồn gốc của ngôi nhà nguyện.

Tân Xá cổ kính

Cái tên dinh Tân Xá đã nói lên sự tích về việc xây dựng nơi làm việc mới. Theo tài liệu của Tòa Tổng Giám mục cung cấp, trong chương Tòa Tổng giám mục, phần mở đầu là “Từ Dinh Tân Xá… đến Tòa giám mục hiện nay” có đoạn viết: “Dưới thời vua Gia Long, vì tin tưởng và quý mến đức cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), nhà vua đã cho xây dựng một ngôi nhà gỗ, mái ngói, được chạm trổ tinh vi, tọa lạc gần rạch Thị Nghè. Ngôi nhà này được gọi dinh Tân Xá, được dùng làm nơi ở của cha Bá Đa Lộc và cũng là nơi Hoàng Tử Cảnh thường xuyên lui tới để học tập với Đức cha”. Tài liệu cũng viết: “Khi Đức cha qua đời, ngày 11 tháng 9 năm 1788, Dinh Tân Xá được trao lại cho cha Liot lúc ấy làm Bề trên của giáo phận”.

Tài liệu ghi khoảng năm 1864, khi Việt Nam ký hòa ước với Pháp để chuộc ba tỉnh Nam Kỳ, vua Tự Đức đã trao Dinh Tân Xá cho Đức cha Ngãi (Lefèbvre) để dùng làm Tòa giám mục, Năm 1900, xây Tòa giám mục hiện nay, “Ngôi nhà gỗ Dinh Tân Xá được dời về đây là được dùng làm nhà nguyện của Tòa Giám mục”.

Nay, trở lại Dinh Tân Xá, nó vừa được sửa sang lại cách đây hai tháng. Mái ngói xưa đã không thể giữ lại được, do mục mủn có thể rơi vào đầu người ta. Mái ngói mới thay khiến ngôi nhà nguyện mang dáng vẻ mới lạ. Những vị làm ở Tòa tổng giám mục nói: “Phía hông bên trái tòa nhà gỗ hư hại phải thay ít nhiều, còn hông phải của tòa nhà vẫn nguyên vẹn. Cái gì giữ lại được đều cố giữ, thậm chí chỉ chắp nối những chỗ mục. Riêng hệ hoa văn hoàn toàn nguyên vẹn”.

Nhà tranh hay ngói?

Các tu sĩ ở Tòa Giám mục cung cấp cho tôi tài liệu nghi ngờ tính xác thực của tòa nhà nguyện cổ. Liệu tòa nhà này, lợp ngói này đúng là được nhà vua đã làm tặng cho đức cha Bá Đa Lộc hay không?

Bí mật Dinh Tân Xá- nhà nguyện đầu tiên ở Sài Gòn ảnh 1

Dinh Tân Xá vừa được tu bổ

Sở dĩ nghi ngờ được nêu ra do một số người tin ngôi nhà của Đức cha Bá Đa Lộc ngày xưa là nhà tranh chứ không phải nhà ngói và nó đã bị dỡ bỏ từ lâu. Thừa sai Lestrade viết trong thư đề ngày 3/5/1797 (hai năm trước khi linh mục từ trần) là: “Thành phố của nhà vua, lâu đài của nhà vua đều bằng tre và tranh. Đức cha đã đón tiếp tôi với tất cả lòng yêu thương và đã giữ tôi lại ba tuần lễ để được bồi bổ sức khỏe trước lúc bắt đầu học tiếng… Tòa nhà bằng tranh của ngài được tổ chức quy củ như chủng viện”. Một lá thư khác, thừa sai Lestrade cũng viết: “Ngôi nhà bằng tranh như bao nhiêu nhà khác”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tòa nhà nguyện lợp ngói hiện nay là ngôi nhà khác, có thể là của vị linh mục Lefebvre. Theo thừa sai Louvet một vị linh mục đến Sài Gòn từ năm 1873, sau khi Pháp chiếm Gia Định, chính quyền quân sự Pháp vào cuối năm 1860 “đã cấp cho linh mục Lefebvre một ngôi nhà rộng và đẹp, của một vị quan bỏ chạy để làm tòa Tổng giám mục”. Hoặc đây là tòa giám mục của linh mục Miche. Một văn thư ngày 17/10/1870 khẳng định về một tòa giám mục mới xây, thông báo cho Đức giám mục Miche rằng: “Đức cha có thể tiếp quản ngôi nhà mới này, lúc nào Đức cha thấy thuận tiện. Ngay sau khi Đức cha về ở trong Tòa giám mục mới, công việc di chuyển các ngôi nhà cũ có thể được tiến hành”.

Tuy vậy, người ta khó lý giải việc tòa giám mục mới xây vào năm 1870, do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng tại sao lại mang một ngôi nhà kiến trúc thuần túy Việt Nam như Dinh Tân Xá? Còn nếu là nhà của quan lại thì liệu tòa Tổng giám mục có cất công gìn giữ suốt mấy trăm năm qua?

Kỷ vật của vua Gia Long

Trong sách “Giáo hội công giáo Việt Nam niên giám 2004”, một tài liệu chính thống, khẳng định tòa nhà nguyện cổ hiện nay là do vua Gia Long cho xây cất. Tài liệu này viết: “Dinh Tân Xá được vua Gia Long cất cho Đức cha Bá Đa Lộc để làm nơi dạy hoàng tử Cảnh từ năm 1790 trên bờ rạch Thị Nghè. D.Lefebvre (tên Việt Nam là Ngãi), J.C.Miche (Mịch), I.F.J Colombert (Mỹ), J.M Dépierre (Đễ) dùng làm tòa giám mục. Dinh Tân Xá sau này được đưa về sát bên tòa giám mục để dùng làm nhà nguyện đường. Dinh này có nhiều điểm kiến trúc cổ đặc sắc của dân Việt”.

Bí mật Dinh Tân Xá- nhà nguyện đầu tiên ở Sài Gòn ảnh 2

Bàn thờ đức Chúa đặt trên cao

Cuộc đời của Hoàng tử Cảnh rất sóng gió. Khi còn nhỏ, mới ba tuổi, chưa hề có tư tưởng chính trị gì thì được cha gửi theo linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp để liên minh với Pháp, nhưng thất bại. Trong một lá thư mà chúa Nguyễn gửi cho các vị chức sắc Pháp, có đoạn viết: “Năm trước quả nhân có sở cậy Bá Đa Lộc giám mục thượng sư đem Hoàng tử sang quý quốc cầu binh đã lâu tuyệt vô âm tín. Quả nhân áy náy hằng lo. Chẳng ngờ đến nay, tháng Tám mới thấy biều hồi trình, mới tường tự sự thì quả nhân lòng bội vui mừng” (Thư đề Năm Cảnh hưng thứ 47, tháng 9, ngày 11, tức ngày 4/11/1786). Hoàng tử Cảnh được lập Đông cung để nối ngôi, nhưng bị bệnh đậu mùa mất khi mới 21 tuổi. Tháng 3 hoàng tử mất, Nguyễn Ánh còn chinh chiến ở Quảng Nam, đến tháng 5 mới vào được thành Phú Xuân. Tới ngày 2 tháng 5 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh mới làm lễ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long (chữ ghép của Gia Định - Thăng Long), lúc ấy con trai đã mất hơn một năm rồi.

Trở lại ngôi nhà nguyện cổ. Xem những ghi chép của thừa sai Lestrade chỉ thấy đề cập đến một ngôi nhà lá nào đó không rõ ràng lắm, phải chăng đó là nơi ở của Đức cha Bá Đa Lộc. Hẳn là vị thừa sai lưu lại 3 tuần tại ngôi nhà ở của linh mục chứ khó mà ngụ ngay trong nhà nguyện (Dinh Tân Xá) được.

Ngày nay, nhờ vào cấu trúc cổ được giữ gần như nguyên vẹn, chúng ta nhìn thấy ngôi nhà nguyện này được thiết kế phục vụ cho công việc tôn giáo, chứ hoàn toàn không phải là công trình dân sinh. Tòa nhà ba gian hai chái 6 hàng cột có gian giữa trang trọng nhất là nơi đặt bàn thờ Đức Chúa. Ngay khi bước chân qua cửa chính đã đứng trước bàn thờ Đức Chúa đặt trên cao quá đầu người, phía dưới là cái bàn lớn để bày biện đồ vật. Ban thờ khổng lồ chiếm hẳn một gian, lại treo trên cao. Kiến trúc này khác hẳn với nhà ở của quan lại, vốn thường dành gian chính để tiếp khách.

Ngay phía sau ban thờ là phòng chuẩn bị y phục của đức cha Bá Đa Lộc với hai cửa vào ra, che bằng hai tấm vải nhung. Tư gia quan lại thì không thể có những gian phòng thay quần áo như vậy ngay ở gian giữa. Hoa văn trang trí của Dinh Tân Xá cũng mang phong cách các công trình công cộng như đình chùa hơn và nhất quán từ ngoài cửa đến ban thờ. Các hoa văn tập trung làm nổi bật các nơi đặt tượng thờ Chúa như ở các cột chính, các gian chái.

Hầu hết các công trình tôn giáo của công giáo trước năm 1860 đã bị phá hủy do mối mọt và do lệnh cấm của nhà Nguyễn sau khi triều đình nghi ngờ công giáo giúp đỡ thực dân xâm lược Việt Nam. Dinh Tân Xá là nhà nguyện bằng gỗ có một không hai từ lúc vua Gia Long chưa lên ngôi, còn lại tới ngày nay.

Đến thăm tòa nhà nguyện đầu tiên được triều đình xây dựng này, ta thấy rõ kiến trúc thuần túy Việt Nam. Bàn thờ Đức Chúa cũng được thiết kế như một ban thờ các vị thánh của Việt Nam trong các phủ, đình. Đặc biệt, ban thờ còn có đôi câu đối trích từ sách Trung Dung của Khổng Tử là: “Đức kỳ thịnh hỹ/Thần chi cách tư”. Câu đối như một lời nhắn nhủ của chúa Nguyễn Ánh đối với linh mục Bá Đa Lộc và có thể là cả với con trai mình nữa, nghĩa của câu đối đề cao tính đạo đức và sự mầu nhiệm.

12/2014

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, cũng là chỗ thân quen với hậu duệ của hoàng tử Cảnh nói: “Ngôi nhà nguyện cổ hiện nay chính là Dinh Tân Xá mà nhà vua Gia Long đã xây cất cho linh mục Bá Đa Lộc làm nhà nguyện và cũng là nơi hoàng tử Cảnh tới học”. Ông nói thêm: “Hàng ngày hoàng tử ở trong cấm thành cùng gia đình và chỉ tới dinh để học”. Các tu sĩ ở tòa giám mục nói với tôi: “Theo sách vở và lời kể lại, hoàng tử Cảnh tới ngôi nhà cổ này để gặp đức cha Bá Đa Lộc học tiếng Pháp”.

MỚI - NÓNG