LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.
Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.
Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.
Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.
Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là "kho báu" vô cùng quý giá của nước Nhật.
Bí mật thứ chín
DIỆT TRỪ THÓI XẤU
Để vực dậy nền dân khí quốc gia, Fukuzawa Yukichi không chỉ khuyến khích và bám chắc vào các giá trị truyền thống, ông còn dành nhiều thời gian để đả kích các thói hư tật xấu kìm hãm sự phát triển của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Mặt khác, ông đề ra những biện pháp triệt tiêu thói xấu một cách tích cực, để mỗi người dân Nhật Bản nhìn vào đó mà thay đổi bản thân. Vì theo ông, chỉ riêng Chính phủ Nhật thay đổi là không đủ, mà phải xuất phát từ nền dân khí của quốc gia.
Tham lam - Cội nguồn của mọi thói hư tật xấu
Trong quan hệ giữa người với người, Yukichi xếp tham lam vào hạng thói xấu tệ hại nhất.
Giải thích về điều này, Yukichi cho rằng, đã là con người, sinh ra ai cũng có dục vọng. Nếu rêu rao những khẩu hiệu phú quý tựa chiêm bao, không màng danh lợi thì quả là không thực tế và chính nó đã khiến con người không dám bộc lộ nhu cầu, không có tinh thần vươn lên, xã hội không sao phát triển.
Nhưng nếu không phân biệt đúng sai, để cho mức độ ham muốn tiền bạc vượt quá giới hạn và có sự lầm lẫn mục đích tìm kiếm tiền thì sẽ dẫn tới việc chạy theo đồng tiền trái đạo lý. Và khi đó, dục vọng sẽ trở thành thói xấu: thói tham lam.
Để phân biệt giữa ham muốn chính đáng và thói tham lam cần xác lập một ranh giới. Nếu không vượt qua ranh giới đó thì là đức tính tốt, đáng khen ngợi. Điều đó căn cứ vào việc họ có trung thực sống theo đúng năng lực, khả năng của mình hay không?
Yukichi nhận định rằng, thói tham lam thường ngấm ngầm nảy sinh trong lòng mỗi người, từ đó sinh ra đủ mọi thói xấu như: ghen ghét, đố kỵ, gièm pha, ngờ vực, bất mãn, hèn nhát, tranh đoạt. Những hành vi thậm thụt, mật đàm, mưu mô cho đến việc lôi kéo bè cánh, ám sát, nổi loạn… tất cả đều phát sinh từ tham lam. Nếu chúng ta không thể kiểm soát, nhận biết nó thì sẽ bị dục vọng sai khiến, không hề đóng góp gì mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội.Sự nghèo khổ không phải nguyên nhân sinh ra thói tham lam. Lòng tham có thể xuất hiện ở bất cứ ai, bất kể địa vị, tầng lớp. Nó sẽ hoành hành khắp xã hội khi sự phát triển tự do về tinh thần, hành động của con người bị cản trở, khi niềm hạnh phúc cũng như nỗi bất hạnh đều ngẫu nhiên mà xảy ra.
Bàn về gốc gác của thói tham lam, Yukichi chỉ ra rằng, thói xấu này chính là đã sinh ra từ xã hội phong kiến với nền Nho học cổ hủ. Khổng Tử khi xưa có than rằng: "Đàn bà con gái và trẻ con là những kẻ khó dạy. Thân với họ thì họ nhờn, mà nghiêm với họ thì họ oán". Khổng Tử không hiểu rằng, tâm hồn con người dù là nam hay là nữ đều giống nhau. Hơn nữa, không có đạo lý nào quy định rằng đứa trẻ do người hạ đẳng sinh ra nhất định sẽ trở thành hạ đẳng. Chính chủ trương phân biệt địa vị, đẳng cấp đã tước đoạt tự do, bình đẳng, kìm hãm sự phát triển, gây ra biết bao đau khổ trong xã hội cũ. Và kết cục là ngay cả Đức Khổng Tử cũng chỉ còn biết than trời.
Theo Yukichi, trước hết phải hiểu rằng, con người vốn dĩ nếu bị ai đó cướp đi tự do thể chất cũng như tinh thần thì sẽ căm tức người đó. Phụ nữ, những người bị áp đặt ở tầng lớp hạ đẳng, những con người bị trói buộc tự do tự khắc sẽ tìm cách phản kháng, xã hội sẽ phát sinh lòng tham tham. Đó chính là quy luật gieo nhân nào gặt quả ấy.
Lòng tham lam gây ra bao hậu quả khủng khiếp. Vậy mà xã hội Nhật Bản thời Minh Trị theo góc nhìn của Yukichi cũng chẳng khác gì chốn hậu cung. "Con người văn minh sẽ không đến nỗi ghen tức hạnh phúc của người khác, ngấm ngầm mong cho người khác gặp bất hạnh như con người trong xã hội Nhật Bản", Yukichi viết.
Gièm pha, phán xét - Những thói xấu nguy hiểm cần bài trừ
Nhiều người thường lầm lẫn giữa gièm pha và phê phán. Thực tế, gièm pha là việc nói xấu và chê bai người khác, phê phán là sự nhận định về những cái dở và phê bình người khác dựa trên cơ sở đạo lý mà mình tin.
"Tuy vậy, khi chưa tìm ra được cái đúng tuyệt đối trong xã hội, khi trong cuộc sống "chính nghĩa mang tính tuyệt đối" vẫn chưa tồn tại thì khó có thể phán định ngay đúng sai. Vì lẽ đó, mới nhìn thấy người này gièm pha người khác lập tức quy kết cho anh ta là kẻ thất đức thì thật vô lý. Khi quy kết việc tranh cãi là sự gièm pha, hay là sự phê phán nghiêm túc về một vấn đề thì phải tìm cho ra chính nghĩa mang tính tuyệt đối, chân lý mang tính phổ biển trong cuộc sống trước đã".
Theo Yukichi, thói gièm pha dễ xuất hiện nhất ở nhóm người chỉ có suy nghĩ cao xa mà không có năng lực hành động. Nhóm này thường cô độc, bị mọi người ghét bỏ xa lánh bởi khả năng đã không bằng ai nhưng lại hay đem cái lý tưởng của mình ra soi rọi vào hành động của người khác và xem thường khinh miệt họ.
"Ở đời, coi thường người một cách hồ đồ cũng sẽ bị người khác coi thường lại. Có những kẻ bị người đời ghét bỏ vì tự cao tự đại, vì chỉ muốn giành phần hơn cho mình, vì toàn đòi hỏi ở người khác thật nhiều mà mình thì chẳng chịu nỗ lực, vì cứ mở miệng ra là nói xấu người khác. Nếu cứ luôn lấy cái lý tưởng cao xa tự cho là đúng của bản thân mình ra làm thước đo để bình phẩm chê bai người ta, và còn tùy tiện mang cái không tưởng áp đặt cho người ta thì sẽ tự chuốc lấy cảnh bị người ta ghét. Và kết cục là sẽ rơi vào tình cảnh tự mình xa lánh mọi người, tự mình cô lập mình", Yukichi viết.
Để tránh xa thói phán xét, mỗi người, dù là việc gì, từ việc nhỏ trong gia đình hay ngoài xã hội, trước hết phải đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Con người phải lấy công việc làm thước đo để tránh lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.
Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.