Liên tục sập bẫy
Vụ lừa gạt xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý, trị giá 20 triệu USD xảy ra vào đầu năm 2022 chưa kịp lắng xuống, vào tháng 4/2023, DN Việt Nam lại dính tiếp vụ lừa xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria. Chỉ 3 tháng sau đó, lại có thông tin DN xuất khẩu tiêu, điều của Việt Nam thông báo có 5 container nghi bị lừa đảo tại Dubai.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, vụ việc xuất phát từ việc DN Việt đã ký với Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC, đơn vị mua hàng nghi lừa đảo tại Dubai thanh toán lô hàng theo hình thức nhờ thu hộ D/P. Tức toàn bộ chứng từ gốc sẽ được chuyển từ ngân hàng bên bán của Việt Nam qua ngân hàng bên mua tại Dubai.
Sau khi xuất các container hàng, phía ngân hàng phía Dubai xác nhận đã nhận được bộ chứng từ phía Việt Nam, tuy nhiên không rõ lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng. Tiếp đó, các DN Việt Nam kiểm tra trên hệ thống hãng tàu phát hiện cả 4 container hàng đều biến mất khỏi cảng. Hàng mất, số điện thoại bên mua bị khóa, website đóng, đối tác lặn mất tăm.
Thông tin về tình hình xử lý vụ việc ngày 9/8, đại diện Vinacas cho biết, đến nay, 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã được bên mua lấy ra khỏi cảng, trong khi bên bán là các DN Việt Nam lại chưa được nhận thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi được giữ tại cảng ở Dubai.
Theo các chuyên gia, hàng loạt vụ lừa đảo liên tục xảy ra với các DN ngành điều do hoạt động thiếu chuyên nghiệp, bài bản |
“Hiệp hội đang liên hệ với đại sứ Việt Nam tại UAE và các cơ quan chức năng nước này truy tìm người mua, yêu cầu trả tiền lại cho DN Việt Nam”, vị này cho hay.
DN mất hàng vì thiếu chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều và chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn thế giới. Tuy nhiên, việc các vụ lừa đảo liên tục xảy ra với các DN ngành này cho thấy, hoạt động quản trị và mức độ quan tâm đến thương mại quốc tế của DN Việt còn yếu.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi làm việc với các DN Việt thì mới thấy các biện pháp chống lừa đảo áp dụng ít hơn so với thế giới. Thậm chí, không ít DN xuất khẩu còn thờ ơ với việc này trong khi mức độ dính lừa đảo của DN Việt được đánh giá cao hơn so với các nước.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Vinatas cũng cho rằng, năng lực DN điều Việt Nam còn hạn chế trong việc nắm bắt thông tin thị trường và thông tin khách hàng. Ông khuyến cáo các DN nên học hỏi, dựa vào các DN đi trước, các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia giỏi hỗ trợ trong hoạt động xuất khẩu.
“Khi bị lừa đảo thương mại, nhiều DN Việt Nam còn không thông báo cho cơ quan Nhà nước vì sợ lộ, lọt thông tin, ảnh hưởng uy tín”, ông Đức nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, chưa bao giờ tính an toàn trong thương mại quốc tế của DN Việt lại được cảnh báo cao như hiện nay.
Theo ông Lộc đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại nên cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam rất rộng mở và cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt những hình thức lừa đảo tinh vi hơn. Các DN Việt còn thiếu chuyên nghiệp, chưa có bộ máy pháp lý quốc tế hỗ trợ. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến DN Việt Nam dễ sập bẫy là nóng vội và kinh doanh không bài bản. “Một phần lỗi thuộc về DN Việt vì thiếu chuẩn bị và non kém trong thương mại quốc tế. Không còn cách nào khác, DN cần nâng cao năng lực pháp lý trong các giao dịch, đổi mới tư duy quản trị”, ông Lộc nói.
Theo ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), qua thông tin phản ánh, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italia năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc doanh nghiệp xuất khẩu đều dính lỗi chuyển phát chứng từ giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng phía người mua. Đây là “lỗ hổng” của quy trình kinh doanh, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng.
Theo ông Hải, một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là sử dụng các doanh nghiệp dịch vụ logistics như một “van an toàn”. Khi đó, công ty logistics A của Việt Nam sẽ gửi hàng đến công ty logistics B ở nước nhập khẩu với tên của công ty B là người của nhận hàng. Sau khi nhận hàng, công ty B sẽ giao hàng cho người mua. Nếu vì lý do gì đó, người mua hoặc một bên thứ ba có trong tay bộ chứng từ thì họ cũng không thể nhận được hàng vì thông tin không phù hợp với tên người nhận hàng trên chứng từ.
Để tránh bị lừa, doanh nghiệp cần mua thông tin từ các công ty tư vấn doanh nghiệp, công ty đánh giá tín nhiệm. Các công ty này có kho dữ liệu rất lớn về các doanh nghiệp, được cập nhật thường xuyên. Việc này sẽ giúp phát hiện công ty được lập ra gần đây, hoặc lập ra đã lâu mà mức độ đóng thuế rất ít, nay lại đặt mua hàng với số lượng lớn thì đó là điều bất thường cần xem xét lại.
Theo ông Hải, để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý và coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không phải chỉ khi xảy ra tranh chấp. Các công ty này sẽ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm trong đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp họ sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt doanh nghiệp để xử lý.
“Mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp và yêu cầu giám định, kiểm định hàng hóa trước khi giao hàng cũng là giải pháp tốt để tránh bị lừa”, ông Hải khuyến nghị.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin, nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường trong giao dịch như: Người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch hay khi người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi, lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp...