Phổi khỏe - nhờ nói không với thuốc lá
Hút thuốc lá là một thói quen xấu, gây tổn thương lâu dài cho phổi. Càng hút nhiều thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư phổi và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) càng cao. Ngoài ra, hút thuốc còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ phải “hút thuốc thụ động”.
Phổi khỏe - do giữ trong lành môi trường sống
Các chuyên gia môi trường khuyên, mỗi gia đình nên loại bỏ nguồn gây ô nhiễm, cải thiện mức độ thông thoáng trong nhà và sử dụng thiết bị lọc không khí.
Bên cạnh đó, giữ môi trường trong sạch cũng là việc chung của thế giới, do đó việc sử dụng tiết kiệm điện, hạn chế đốt rác… cũng nên được lưu tâm.Không khí ô nhiễm không chỉ khiến cho các bệnh như COPD hay hen trở nên nghiêm trọng, mà còn có nguy cơ gây ra tử vong.
Do đó, bạn nên tránh càng xa môi trường ô nhiễm càng tốt, vì khói và bụi là nguyên nhân khiến phổi rất dễ bị tổn hại. Không chỉ môi trường bên ngoài, môi trường sống bên trong nhà cũng rất cần được lưu ý.
Phổi khỏe - nhờ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh là rất cần thiết. Các loại thức ăn có chứa nhiều chất oxy hóa được chứng minh là rất tốt cho phổi và sức khỏe. Theo một nghiên cứu năm 2010, người ăn nhiều rau họ cải như cải xanh, bông cải xanh, cải bắp, cải thìa... giảm gần1/2 nguy cơ mắc ung thư phổi so với những người ít ăn những loại cải này. Cùng với vitamin A, C và E thì vitamin D là một chất rất quan trọng trong việc giúp cho phổi hoạt động tốt hơn.
5 loại thực phẩm được đánh giá tốt nhất cho phổi là: tỏi, nước ép cà chua, táo, cá và các loại rau giàu vitamin A, E, D. Hãy bổ sung vào thực đơn của bạn thật nhiều rau xanh và những loại trái cây có màu sáng để nạp các dưỡng chất mà cơ thể cần.
Tập thể dục nhiều hơn
Thể dục thường xuyên rất tốt cho hoạt động hô hấp, đặc biệt giúp phổi dễ dàng hơn trong việc cung cấp ôxy cho tim và hệ cơ. Đối với những người bị bệnh phổi mãn tính, tập luyện đều đặn rất quan trọng trong quá trình điều trị và cuộc sống.
Sử dụng bảo hộ lao động
Một số nghề nghiệp có khả năng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như xây dựng, tạo mẫu tóc… do các tác nhân như bụi, tinh dầu nguyệt quế, thuốc nhuộm, khí thải từ động cơ diesel. Do vậy, cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động nếu bạn phải làm những công việc có nhiều nguy cơ gây tổn hại cho phổi.
Tiêm vaccine phòng cúm
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây ảnh hưởng nặng nếu bạn bị COPD hoặc các bệnh phổi khác. Cần tiêm vaccine phòng cúm vào mùa lạnh. Những người trên 65 tuổi nên tiêm thêm vaccine ngừa phế cầu khuẩn. Thêm nữa, để tránh nhiễm trùng phổi, chúng ta nên: rửa tay thường xuyên, tránh chỗ đông người vào cao điểm của mùa cúm, nghỉ ngơi đủ, ăn uống hợp lý và tránh để tinh thần bị căng thẳng.
Nếu bạn bị ho nhiều hơn 1 tháng hoặc cảm thấy khó thở thì hãy đến gặp bác sĩ. Thở khò khè, ho ra máu, hoặc ho có đờm từ 1 tháng trở lên là những dấu hiệu cần khám bệnh và nếu bạn bị đau ngực, đặc biệt tình trạng đau ngực trầm trọng hơn khi hít thở hoặc khi ho thì cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.