Bi kịch hôn nhân ở tuổi 99 của Vua Voi

Bi kịch hôn nhân ở tuổi 99 của Vua Voi
TP - Vua Voi Ama Kông, người từng săn được 298 con voi và sở hữu hàng trăm bài thuốc quy, nổi tiếng đào hoa nhưng rồi cả đời cũng chỉ khổ vì tình...
Bi kịch hôn nhân ở tuổi 99 của Vua Voi ảnh 1
Ama Kông với vợ tư Hồng Khăm thuở còn khăng khít

Những mối tình đầu của ông đẫm nước mắt khi chia lìa, còn tình sau sắp đến hồi kết bằng một lá đơn ly hôn thì nhòe... máu !

Cuộc tình sét đánh với bài thuốc T'klơng M'lêng

Căn nhà sàn có cắm biển chỉ dẫn " Vua Voi" ngay bên lề tỉnh lộ Một huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk bốn mùa thơm phức hương vị đặc trưng của vô số bao gói T'klơng M'lêng chất kín cả góc nhà. Mười ba năm qua, Ama Kông nuôi vợ Tư bằng tiền bán những thang thuốc đó.

Bà Tư tên Hồng Khăm ra đời năm 1968, tóc xoăn, mắt ướt mang hai dòng máu Marốc -Êđê.  Khi gặp Ama Kông lần đầu, nàng đang hận một gã nhân tình trốn trách nhiệm làm cha. Qua vài cuộc hẹn thơ mộng dưới trăng bên dòng sông Sêrêpôk, Hồng Khăm ngỏ ý muốn cưới Ama Kông làm chồng. 

Dù giấy tờ tùy thân ghi Ama Kông sinh năm 1917, các già làng buôn Đôn và thân nhân đều khẳng định ông chào đời từ năm 1910. Nếu mốc 1910 là tuổi thật, thì Ama Kông lớn hơn Hồng Khăm 58 tuổi, chàng rể tương lai chào đời trước mẹ vợ hơn ba chục năm.

Vườn Quốc gia Yok Đôn thành lập, ông nhận lời về làm "em xi" chuyên kể chuyện săn voi cho du khách, nhận lương ba trăm ngàn đồng mỗi tháng để bù đắp vào khoảng trống nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng vừa bị Nhà nước ra lệnh cấm.

Kỹ sư Hồ Viết Sắc- Giám đốc Vườn khám phá ra mối tình sét đánh giữa Ama Kông với Hồng Khăm gái một con đang độ "mòn mắt". Tò mò, ông dò hỏi Vua Voi có bí quyết gì mà tuổi 83 vẫn yêu say sưa như mới đôi mươi vậy?

Ama Kông thẹn thò tiết lộ bố vợ Y Thu K'Nul đại thượng thọ 110 tuổi (1828-1938) không chỉ truyền ngôi Vua Voi, mà còn truyền cho ông hàng trăm bài thuốc cực quý thu lượm được qua hành trình buôn bán voi ngang dọc khắp núi rừng các nước Đông Nam Á, trong đó riêng thang T'klơng M'lêng ngâm rượu uống đều sẽ tha hồ yêu không biết mệt.

Giám đốc Sắc bèn đề nghị Ama Kông cưỡi voi vào rừng hái thuốc về bán, vừa tăng nguồn thu cho Vườn vừa giúp Vua Voi rủng rỉnh chăm lo cho người đẹp. Từ đó T'klơng M'lêng trở thành mặt hàng bán đắt hơn tôm tươi, chu du khắp trong ngoài nước, nguyên cớ của vô số chuyện buồn vui kiện tụng lý thú, bi hài.

Có thể nói, món thuốc T'klơng M'lêng có vai trò không nhỏ trong việc giúp hoạt động du lịch Đắk Lắk, Buôn Đôn thêm phần hấp dẫn.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y Huế chủ trì đề tài sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học cơ bản của một số cây thuốc dân tộc bản địa ở Đắk Lắk do lãnh đạo tỉnh đặt hàng, đã khẳng định: 2 trong số các loại cây sử dụng trong bài thuốc gia truyền của Ama Kông có tác dụng đặc biệt trong việc bồi bổ cơ thể, chữa đau lưng nhức mỏi, bổ thận tráng dương...

Mới đây, Sở Y tế Đắk Lắk đã cấp cho Khăm Phết  (Khăm Phết là con thứ 7 của bà vợ hai Ama Kông, người được Ama Kông truyền nghề thuốc và được thừa kế thương hiệu thuốc của Ama Kông) giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền Ama Kông, sau khi vụ kiện mạo danh và lợi dụng tên tuổi Ama Kông với một bác sĩ Đông y khép lại với phần thắng thuộc về chủ nhân đích thực của nó.

Rất nhanh nhạy, Công ty TNHH Dược phẩm Tây Nguyên lập tức bắt tay hợp tác với Khăm Phết, tung ra thị trường 3 loại chế phẩm trị bệnh gút dưới dạng  trà, rượu, viên nang có nguồn gốc từ những gói cây lá  T'klơng M'lêng.

Vua Voi mê gái là lẽ thường tình, nhưng việc "em xi"  83 tuổi đề nghị Vườn đứng ra tổ chức đám cưới với một cô nàng 25 tuổi là việc quá bất thường nên giám đốc Sắc cương quyết phản đối.

Cán bộ nhân viên Vườn bàn ra, đàn con đông đúc hơn hai chục người của Ama Kông với 3 bà vợ trước cũng xúm vô can gián hết lời. Nhưng yêu say đắm, thây kệ mọi thị phi đàm tiếu, ông lẳng lặng mua đất cất nhà rước mẹ con nàng về dinh.

Khách đến mua thuốc thường thấy Vua Voi cao lớn gân guốc bồng ẵm nựng nịu bé gái tóc xoăn da nâu xinh như thiên thần. Ai tọc mạch dò hỏi, ông nói luôn: Con gái đầu lòng của tôi với vợ yêu đấy! 

Du khách cả tin đã đành, khối nhà báo từ xa về cũng mắc lỡm, vung bút khoe thần dược giúp cụ già ngoài tám mươi tuổi có con, khiến món thuốc cường dương bổ thận của Ama Kông thêm danh tiếng lừng lẫy, lên ô tô tàu hỏa máy bay kìn kìn tỏa đến mọi phương trời.

Mà không cả tin sao được, khi ngắm Ama Kông ai cũng thấy từ ông tỏa ra sức mạnh ngùn ngụt, hùng vĩ như dáng cây kơ nia quanh năm lá rợp xanh ngắt. Dũng mãnh bao nhiêu trên bành săn voi, ông hiền hậu rộng rãi bấy nhiêu trong cuộc sống đời thường. Biến cây lá trên rừng thành hàng quý, tiền đổ về như nước, ông giao hết cho vợ giữ, phần mình chỉ cần ... yêu và được yêu!

Hồng Khăm từ bé thiếu cha, trở thành Amí Búp (mẹ bé H'Búp) may mắn được Ama Kông bù đắp tất cả những gì lâu nay cô không có. Thời gian đầu cô chiều chuộng ông, bé H'Búp cũng quấn quýt yêu quý Vua Voi chẳng khác nào cha đẻ. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, cái gì mới cũng thành cũ, Vua Voi khỏe cỡ nào cũng tới lúc phải chồn chân mỏi gối.

Vóc dáng ngày càng đẫy đà sung mãn, Amí Búp bắt đầu thích bia rượu, thích chạy xe máy ra thị trấn hát karaoke. Ama Kông vừa xót của vừa ghen, sắm về nhà đủ thứ loa đài, đầu máy để nàng hát tại nhà. Nhưng cái chân Amí Búp chỉ muốn đi.

Sự ham chơi của Amí Búp ban đầu chỉ gây ra cãi vã hục hặc. Sau căng dần thành xô xát, mà cuộc nào thế thượng phong cũng thuộc về cô vợ trẻ nhỏ hơn chồng năm mươi mấy cái xuân xanh. Lắm phen say xỉn, Amí Búp hùng hổ nện và tưới cả rượu lên đầu chồng.

Nhiều đêm gió lạnh, Ama Kông mặc mỗi cái quần đùi vọt ra tỉnh lộ vẫy xe thồ chạy hơn bốn chục cây số lên nhà Khăm Phết ở xã Ea Tu TP Buôn Ma Thuột xin " tị nạn". Mở cửa, nhìn thân thể bố già tả tơi, Khăm Phết thở dài dìu bố vào nhà chăm sóc, an ủi.

Ama Kông vắng nhà, nguồn thu bán thuốc giảm hẳn nên ông chỉ cần bỏ đi  dăm bảy hôm,  Amí Búp sẽ phải tất tả đón xe chạy lên nhà Khăm Phết. Với cái oai Mẫu hệ của bà Dì vợ Bố, bà xăm xăm bước thẳng vô giường nơi Ama Kông nằm dài thườn thượt, leo lên giường ôm ông ve vuốt dỗ ngọt "Em biết lỗi rồi, mình về với em đi...".

Lũ con cháu nín thở rình sau mấy bức phên thưa hễ nghe thấy ông mình, bố mình dịu giọng dần rồi... cười rúc rích, là nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm, biết tỏng Vua Voi mềm lòng sắp cun cút theo vợ trẻ về buôn bán thuốc. Rồi cái chu kỳ say xỉn, gào thét lại sẽ xoay vòng...

Kết cục của cuộc bạo hành

Bi kịch hôn nhân ở tuổi 99 của Vua Voi ảnh 2
Ama Kông với vợ nối dây Amí Liêng, ảnh chụp cách đây gần 60 năm

Tối 27/2/2009, Amí Búp cao hứng mua hơn hai ký bò khô, hai thùng bia, rủ bạn bè tới nhà vầy cuộc nhậu, ồn ào tới nửa đêm vẫn chưa dứt. Ama Kông nằm đậy chăn lên đôi tai nghễnh ngãng mà vẫn nhức óc không ngủ được, bực mình chịu hết nổi bèn rầy la.

Amí Búp nổi cơn tam bành lao vô buồng. Hàng xóm nghe tiếng thét đau đớn của Ama Kông vội chạy qua, thấy ông ngã ngất mà bàn tay ròng ròng máu chảy, vội đưa ông ra trạm xá xã cấp cứu.

Nửa tháng sau, chính quyền địa phương và báo Tiền Phong nhận đơn tố cáo kèm  đơn ly hôn. Đơn viết: "Tôi tên là Y Prung Êban tức Ama Kông. Tôi sống chung với bà vợ tư tên Hồng Khăm, tôi mua đất, trâu bò, ruộng rẫy làm nhà, cuộc sống khá giả có của ăn của để. Sau đó bà nghiện rượu, không lo việc gia đình, hành hạ tôi, đánh đập tôi, thậm chí nhiều lần đánh tôi gãy cả răng, hộc máu mồm phải đi bệnh viện.

Chính quyền địa phương đã giáo dục rất nhiều lần nhưng bà không sửa chữa, vẫn chứng nào tật ấy... 12 giờ đêm 27/2, bà dùng bạo lực đánh đập và lấy dao chém vào đầu tôi. Tôi giơ tay đỡ nên tay trái tôi bị đứt cả 4 ngón, mỗi ngón phải khâu 3 mũi, 2 ngón bị đứt gân không cử động được. Người làm chứng là.... Nay tôi buộc không sống với bà nữa vì tính mạng tôi bị đe dọa hàng ngày...".

Nhận đơn, phóng viên báo Tiền Phong vội về Buôn Đôn. Ama Kông nằm tĩnh dưỡng trong căn nhà sàn vách gỗ, mái gỗ do KhunJuNob Y Thu xây dựng hơn trăm năm trước, nay đang giao lại cho Me Lẽn, con gái đầu của Ama Kông trông nom.

Thấy người quen đến thăm, Ama Kông vui mừng trở dậy tiếp chuyện. Tôi cầm tay ông. Bàn tay rộng, ấm với những ngón thanh dài từng quăng tròng bắt hơn hai trăm con voi vẫn lành lặn, vậy mà đêm 27/2 bị mụ vợ say chặt suýt đứt lìa!

Tôi hỏi : - Luật tục M'Nông xử tội vợ đánh chồng thế nào?

Me Lẽn, Khăm Phết lắc đầu: - Người M'Nông xưa nay đâu có vợ nào dám đánh chồng, nên luật tục chỉ xử tội chồng đánh vợ thôi, phạt trâu bò, cúng tạ lỗi với làng.

Ama Kông uất hận: - Tôi muốn lấy khẩu súng bắn Pằng Pằng, chết cả hai đứa nó!

- Ủa, còn đứa nào nữa ?

- Thằng chồng nó, trẻ lắm, gọi tôi bằng ông mà nó hay rước về nhà ngủ chung. Vì hơn hai năm rồi tôi không ngủ với vợ được nữa.

Ôi, Ama Kông, tuổi chín mươi chín còn chưa hết nỗi khổ ghen tuông!

Chúng tôi sang căn nhà sàn có cắm biển báo "Vua Voi Ama Kông, thuốc bổ thận tráng dương" từ đầu ngõ. Amí Búp nhỏn nhoẻn nhai trầu, giọng ngọt:

- Tại lúc đó em say, chứ em yêu chồng em lắm. Em nhất quyết không bỏ Ama Kông đâu. Tối hôm qua em còn khóc vì nhớ chồng mà!

- Vậy sao Ama Kông đi cấp cứu về, nằm ngay nhà bên kia, mà cô chẳng qua thăm ?

- Ôi, con ổng thù em lâu rồi. Em qua họ đánh liền. Họ toàn xúi ổng bỏ em thôi.

H'Búp đi học về, tuổi mười ba đã ra dáng thiếu nữ, xinh thật là xinh. Nhắc đến Ama Kông, đôi mắt đen dài của em đượm buồn. H'Búp lí nhí : Cháu yêu Vua Voi lắm! Những bức tranh H'Búp vẽ dán đầy vách cũng nói lên điều ấy. Bức vẽ Ama Kông cưỡi voi, bức vẽ cả nhà đi chơi, bức vẽ  Ama Kông nắm tay Amí Búp mặc áo cô dâu được đặt tên  "Trăm năm hạnh phúc" .

Hai ngày liền 29, 30/3/2009 nhiều thân nhân của Ama Kông và Amí Búp cùng tổ hòa giải, buôn trưởng buôn phó đã tập trung về căn nhà từng là tổ ấm của họ, chứng kiến cuộc thương lượng ly hôn mà nguyên đơn là Ama Kông. Amí Búp cúi đầu nhận lỗi đã quá nhiều lần bạo hành với chồng trong sự bất bình của họ hàng đôi bên.

Kết quả: Đất vườn, căn nhà lớn, 2 con trâu được chia cho mẹ con Amí Búp. Ama Kông chỉ nhận về mình 4 con bò, căn chòi nhỏ, 2 sào ruộng và 2 chỉ vàng để chi phí điều trị.

Cuộc phân chia rộng lượng này có lẽ đã đặt dấu chấm hết cho mối tình cuối của Vua Voi Ama Kông, nhân chứng lừng lẫy nhất của nghề săn voi Buôn Đôn từ quá khứ đến hiện tại. Tuổi 99 của ông đang dần qua với bao sóng gió và nỗi buồn.

Chàng thợ săn voi quyến rũ đa tình 

Một trăm năm trước, Buôn Đôn sầm uất tấp nập nghề săn bắt, buôn bán, thuần dưỡng voi rừng. Sử liệu ghi nhận: chỉ trong 9 năm từ 1899 đến 1909, Buôn Đôn đã bán cho thương nhân các nước Thái Lan, Malaysia, Myanma 161 con voi, nộp 86 nghìn Frăng cho Tây sở thuế.

Kết nối hầu hết các thương vụ này là Y Thu Knul, người đã tặng hoàng gia Thái một bạch tượng cực quý và được Vua Xiêm hậu đãi, ban tặng cho danh hiệu KhunJuNob - Vua (Săn) Voi.

Y Thu là anh cả của 3 người em trai : Y Ky, Y Leo và Y Keo. Vợ chồng KhunJuNob Y Thu không có con, đã đón 2 đứa con gái tên là H'Nu và H'Hốt của em trai Y Leo về nuôi từ khi ẵm ngửa. Gru (danh hiệu dành cho thợ săn voi tài giỏi) Y Prung là con trai của Y Ky, đến tuổi trưởng thành cao vừa mét tám, cằm vuông vai rộng, chơi được nhiều loại nhạc cụ, bắt trâu điên chỉ cần dùng đôi cánh tay trần khóa sừng ghìm chặt, gái đẹp xa gần cô nào cũng thầm mơ ước.

Dòng họ Y Thu giàu có quyền uy  nhất vùng, các bậc cha mẹ không muốn tài sản và những bài thuốc bí mật gia truyền của dòng họ bị thất tán nên đã cho H'Nu và Y Prung (anh em con chú con bác nhưng không cùng họ vì tập quán mẫu hệ - lấy họ theo mẹ) cưới nhau.

Họ sinh con trai đầu lòng năm 1938, đặt tên là Y Kông. Từ đó họ thành Ama Kông, Amí Kông. Y Kông lớn lên được Ama Kông truyền hết bí quyết về nghề săn bắt thuần dưỡng voi.

H'Nu, vợ đầu của Ama Kông da trắng mũi cao, chỉ gắn bó với ông được 8 năm rồi qua đời vì sốt hậu sản. Theo tục lệ nối dây, em gái H'Hốt khi ấy mới 12 tuổi đã phải lấy anh rể làm chồng, nhận trách nhiệm làm mẹ 2 đứa cháu nhỏ sớm mồ côi.

H'Hốt- Amí Liêng- đảm đang tảo tần sinh cho Ama Kông thêm 11 người con, trong đó cậu con trai thứ bảy tên Khăm Phết sau được Ama Kông truyền thụ mọi bí quyết làm thuốc. Những năm tháng vất vả cực nhọc vì Ama Kông đi rừng, theo gái biền biệt, Amí Liêng vẫn vừa quán xuyến việc nhà, vừa âm thầm góp công góp của giúp đỡ Cách mạng. Sống trong vùng cài răng lược tạm chiếm, đại gia đình Ama Kông đã khéo léo duy trì các mối quan hệ cần thiết, được cả Pháp/Bảo Đại lẫn Cách mạng ưu ái khen thưởng.

Khá nhiều voi trong tổng số 298 voi rừng cả đời Ama Kông săn được đã hiến cho cách mạng dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí. Nhờ thành tích góp voi cho kháng chiến, năm 1954 Ama Kông được Bác Hồ gửi giấy khen kèm khoản tiền thưởng năm mươi nghìn đồng. Khi đất nước thanh bình, ông còn được trao huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. 

Năm 1973, Amí Liêng vừa rời ổ đẻ con út thì Ama Kông dẫn về nhà cô bồ H'Biai với đứa con gái riêng 5 tuổi, xin vợ Hai cho phép cưới vợ Ba. Amí Liêng đau khổ đòi uống thuốc độc tự tử, Ama Kông hoảng sợ cậy già làng can gián.

Theo luật tục M'Nông, chồng muốn bỏ vợ hay ngoại tình thì ngoài việc nộp phạt thật nặng cho làng, anh ta phải ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, để lại toàn bộ của cải cho vợ nuôi con.

Tuy nhiên, xét công Ama Kông lớn hơn tội, sau mấy cuộc phân xử, làng đã cho phép ông cỡi một con voi đực 2 ngà cùng bộ đồ nghề săn voi qua buôn Trí sống với mẹ con H'Biai.

Trẻ hơn Ama Kông 20 tuổi, H'Biai tức Amí Nôi không đẹp lắm nhưng tròn trịa, đầy sức sống. Nương tựa vào bóng mát Ama Kông, bà yên tâm đẻ thêm hai đứa con gái  rồi bắt đầu sa đà vào bia rượu, lúc nào cũng kè kè chai hũ, ngả nghiêng.

Can vợ không nổi, Ama Kông lên rừng đi săn, có bao nhiêu tiền là vọt lên phố chơi bời giải khuây. Ở với nhau chưa đầy mười năm, Amí Nôi trúng gió qua đời trong một cơn say mèm, đói lạnh.

Ama Kông đau buồn, nghĩ cái chết của bà có phần lỗi của mình, hễ nhớ đến lại rơi nước mắt. Ông từng thề sẽ không lấy vợ nữa, cho tới khi gặp Hồng Khăm...

MỚI - NÓNG