Charles Byrne sinh năm 1761 tại Quận Londonderry, Bắc Ireland, bị mắc bệnh khổng lồ, cơ thể to lớn hơn người với chiều cao 2,54m. Nhờ đó, anh trở thành người nổi tiếng ở London (Anh).
Khi còn sống, anh luôn cố gắng để đảm bảo hài cốt không bị trưng bày sau khi chết – một hình phạt thường chỉ dành cho những tội phạm bị hành quyết. Anh có nguyện vọng, thi thể được chôn cất trên biển. Tuy nhiên, sau khi anh qua đời vào năm 1783, mới chỉ 22 tuổi, hài cốt của anh được bác sĩ giải phẫu người người Scotland John Hunter mua lại.
Bộ xương của Byrne xuất hiện trong bộ sưu tập của bác sĩ Hunter 4 năm sau đó, rồi trở thành vật trưng bày công khai trong suốt 200 năm tiếp theo tại Bảo tàng Hunterian, do Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh ở London điều hành.
Hai năm trước, bảo tàng cho biết, sẽ xem xét việc gửi hài cốt của Byrne trở về quê hương để chôn cất theo đúng nguyện vọng của “Người khổng lồ Ireland”. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị lùi lại ít nhất đến năm 2022.
Trước tình hình đó, nữ nhà văn Dame Hilary Mantel – người viết cuốn tiểu thuyết “The Giant, O'Brien” hư cấu về Charles Byrne – đã lên tiếng kêu gọi tôn trọng mong muốn của Byrne, yêu cầu hài cốt của người đàn ông bất hạnh phải được chôn cất tử tế.
“Tôi biết rằng, trong cuộc sống thực, anh ấy là một linh hồn đau khổ, không giống như người khổng lồ tuyệt vời trong sách mà tôi đã tạo ra. Anh ấy không được sống vui vẻ như trong sách và kết cục của anh ấy rất nghiệt ngã. Tôi nghĩ những gì khoa học cần ở hài cốt anh ấy đều đã đạt được. Điều tôn trọng nhất bây giờ là để anh ấy yên nghỉ. Nó phù hợp với tinh thần của thời đại. Tôi không thấy có lý do gì để tiếp tục trì hoãn. Anh ấy đã đợi đủ lâu.
Tôi cho rằng, nguyện vọng chôn cất trên biển chỉ nhằm trốn tránh bác sĩ Hunter. Nếu được ra khỏi bảo tàng, tôi nghĩ anh ấy nên được chôn cất ở Ireland. Tôi hy vọng sẽ có một bữa tiệc chào đón anh ấy, và tôi có thể đến tham gia”, nữ tác giả đoạt giải Booker nhấn mạnh trên The Guardian.
Sau đó, phát ngôn viên của Bảo tàng Hunterian phản hồi với Daily Mail, bảo tàng hiện đang đóng cửa, cũng như trong quá trình tái phát triển. “Bản cập nhật về kế hoạch cho tất cả những vật trưng bày trong bảo tàng sẽ được ban hành đúng hạn”, người này nói.
Charles Byrne sinh ra ở Littlebridge, giữa Cookstown và bờ phía tây hồ nước ngọt Lough Neagh (Bắc Ireland). Lớn lên, anh rời nhà khám phá thế giới và mưu sinh. Anh đi qua Scotland và miền bắc nước Anh, rồi định cư ở London vào năm 1782, ở tuổi 21. Tại đây, anh tận dụng ngoại hình khác biệt để kiếm tiền từ những khán giả hiếu kỳ tại tòa nhà Spring Garden-gate, giao lộ Piccadilly và nhà ga Charing Cross. Báo chí thời điểm đó đưa tin, Byrne có thể đốt tẩu thuốc từ đèn đường mà không cần kiễng chân.
Thân hình khổng lồ, cùng tính cách nhẹ nhàng, dễ mến giúp Byrne nhận được sự yêu mến từ đông đảo công chúng. Hình ảnh về anh tràn ngập các mặt báo ở London.
Byrne sống ở London cùng thời với Hunter, người nổi tiếng với việc sưu tập các mẫu vật bất thường cho bảo tàng tư nhân của mình. Khi sức khỏe của Byrne trở xấu, Hunter đề nghị mua xác của “Người khổng lồ Ireland” sau khi anh qua đời. Ý thức được thi thể mình sẽ bị mổ xẻ để nghiên cứu, Byrne lập kế hoạch cùng bạn bè, niêm phong thi thể trong một quan tài bằng chì, đưa đến thị trấn ven biển Margate, rồi đưa ra biển chôn cất.
Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật người Scotland biết được kế hoạch này, đã sắp xếp cướp xác trên đường đến Margate.
Vào năm 2011, Len Doyal - Giáo sư danh dự về Đạo đức Y khoa tại Queen Mary, Đại học London, và giảng viên luật Thomas Muinzer đã đưa ra lời kêu gọi trên Tạp chí Y khoa Anh, nhằm chấm dứt việc trưng bày hài cốt của Byrne tại bảo tàng và để nó được chôn cất trên biển “như Byrne dự định cho chính mình”.
Tiến sĩ Cliona McGovern, trưởng bộ môn pháp y và y học hợp pháp tại Đại học Cao đẳng Dublin (Ireland), tuyên bố trên The Guardian: “Đây vẫn là điều mà Byrne phản đối. Chúng tôi biết Byrne không đồng ý để cơ thể của mình được trưng bày. Chúng ta biết mong muốn rõ ràng của anh ấy là gì: chôn cất trên biển. Hunter đã can thiệp vào việc chôn cất đó, vốn là quyền hợp pháp. Ông ta cũng không đề cập đến bất kỳ người nào trong gia đình Byrne, những người có quyền hợp pháp đối với tài sản của Byrne.'
Francie Molloy, nghị sĩ của Mid Ulster - nơi Byrne sinh ra, cũng hưởng ứng kêu gọi bảo tàng tôn trọng mong muốn của Byrne.