App cho vay “núp bóng” nhiều không thể điểm mặt gọi tên
Mới đây, qua rà soát, Công an TP.HCM cho biết hiện nay có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến có yếu tố do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết, chặt chẽ với các đối tượng trong nước. Công an cũng xác định, ngoài lãi suất khủng thì các nhóm cho vay có phương thức đòi nợ mang tính khủng bố. Những người thân của người vay cũng bị đe dọa, gây tâm lý hoang mang. Thực trạng này diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều ứng dụng hoạt động dưới hình thức “tín dụng đen”, các ứng dụng này thường thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Theo thống kê, hiện có đến hàng trăm ứng dụng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” như vậy (thông qua website, qua các ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu trên GooglePlay, AppStore như Tamo, Vdong, Movay, Ucash…).
Khi khách hàng cài đặt một hoặc một vài ứng dụng vay, sẽ có nhân viên của nhiều ứng dụng khác liên hệ, liên lạc để giới thiệu, mời chào khách hàng cài đặt và vay trên ứng dụng của họ. Sau khi cài đặt, các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Để tiếp cận các "con mồi" nhanh và hiệu quả hơn, một số tổ chức tín dụng đen dùng mọi thủ thuật để "bẫy" người vay bằng việc xưng tên các công ty tài chính uy tín trên thị trường để mời chào cho vay với các thông tin không rõ ràng, lãi suất và phí "cắt cổ". Đai diện FE CREDIT – Một công ty tài chính chính thống trên thị trường cho biết: “Thời gian gần đây, FE CREDIT ghi nhận phản ánh của nhiều khách hàng về trường hợp có tổ chức hoặc cá nhân sử dụng các trang website có phát âm tên gọi tương tự với thương hiệu FE CREDIT như “ficredit.com.vn”,… để tiếp cận, tư vấn và chào mời khách hàng đang có nhu cầu vay tiêu dùng, khiến khách hàng tưởng là đang sử dụng dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi khẳng định website nói trên không liên quan hay hợp tác với FE CREDIT, không thuộc quản lý của công ty và cũng không được FE CREDIT cấp phép để tư vấn cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của công ty”.
Không chỉ dừng lại ở việc mạo danh các tổ chức cho vay chính thống để dụ dỗ cho vay, tín dụng đen còn lợi dụng kẽ hở về mặt thông tin nhằm đe dọa người dân một cách táo tơn. Cụ thể, sau khi nắm được thông tin khách hàng có vay tại các tổ chức tín dụng chính thống thì chúng lập tức gọi điện xúi giục, ép buộc khách hàng trả nợ cho chúng trước nhưng lại xưng là công ty tài chính.
Thậm chí số điện thoại các nhân nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp lớn cũng bị các đối tượng này đòi nợ trên danh nghĩa công ty tài chính uy tín. Đơn cử như trường hợp của ông H.N.T – Lãnh đạo của một tập đoàn viễn thông lớn bị nhắc nợ tham chiếu và cho rằng đến từ FE CREDIT. Tuy nhiên sau khi xác minh thì hệ thống của FE CREDIT không ghi nhận bất kỳ thông tin khoản vay nào liên quan đến số điện thoại ông T. Đồng thời, hệ thống lưu trữ cuộc gọi không có ghi nhận thông tin tác động đến số điện thoại này. Một trường hợp khác là một lãnh đạo của doanh nghiệp bị nhắc nợ liên tục với 6 số điện thoại khác nhau. Ngay sau khi nắm được thông tin, FE CREDIT đã tiến hành kiểm tra và cho thấy tất cả các số điện thoại tác động khách hàng đều không liên quan tới FE CREDIT. Hơn nữa, người vay liên quan đến vị lãnh đạo này có lịch sử vay vốn tại các tổ chức tài chính khác chứ không phải của FE CREDIT.
Tất cả những diễn biến phức tạp này đang khiến nhiều khách hàng, người dân vô cùng hoang mang, cảm thấy không an toàn khi vay tại các tổ chức tài chính chính thống và có động cơ muốn chây ì, bùng nợ.
Công ty tài chính kêu cứu
Trước vấn nạn tín dụng đen diễn ra trắng trợn, đặc biệt là “núp bóng” dưới dạng hàng trăm app cho vay đang khiến các công ty tài chính tiêu dùng uy tín đang phải đau đầu giải bài toán khi có rất nhiều khách hàng, người dân hiểu nhầm, quay lưng lại với họ dẫn đến tình trạng cho vay bị ngưng trệ.
Đại diện FE CREDIT cho biết: “Để giải bài toán trên, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp như nâng cấp các app cho vay, sử dụng số điện thoại định danh FE CREDIT khi liên lạc với với khách hàng, tạo hệ thống chăm sóc khách hàng chuẩn chỉ. Đồng thời, công ty cũng chủ động xây dựng hệ thống của mình lành mạnh bằng những quy chế nghiêm ngặt. Trong đó việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử, thái độ đối với khách hàng để nhân viên áp dụng một cách chuẩn mực.
“Đó là những gì chúng tôi có thể nỗ lực thực hiện tốt nhất trong giới hạn của mình. Còn việc kiểm soát hay xử lý những thông tin làm ảnh hưởng thương hiệu dù đã nỗ lực tìm mọi cách nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu. Trong làn sóng công nghệ phát triển quá chóng vánh thì việc tìm kiếm hành lang pháp lý hay cơ quan chức năng phù hợp xử lý tình trạng này cũng rất khó”, vị này cho hay.
Thực tế cho thấy việc giải bài toán mạo danh không hề dễ dàng khi mà hiện số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp fintech (gồm P2P - cho vay ngang hàng, vay qua ứng dụng, vay ngày …), tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 đã tăng đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại.
NHNN cho biết một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật. Có công ty hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất, điều kiện vay trong khi áp mức lãi suất thực tế cao "cắt cổ", tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Về phía NHNN và một số cơ quan liên quan cũng đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty fintech khi chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh. Từ đó tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.