> Ông Đoàn Văn Vươn chỉ là “khổ chủ” đầu tiên?
Chị Thương và Hiền. |
Khi được các PV đề nghị cho xem các quyết định khởi tố bị can, hai người phụ nữ này cho biết họ không được CQĐT giao các quyết định này. “Sáng nay, chúng em vừa làm việc với CQĐT, chúng em có hỏi sao chúng em không được giao quyết định khởi tố bị can, cán bộ điều tra nói chỉ được xem chứ không được giữ” - chị Thương nói.
Chị Thương và chị Hiền cho biết, các chị đã được 2 luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận bào chữa miễn phí, song tại buổi làm việc sáng qua 2-2, các luật sư này không có mặt, và các chị được biết các luật sư này chưa được CQĐT cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Trong buổi làm việc (có ghi biên bản hỏi cung), chị Thương và chị Hiền cho biết họ đã được điều tra viên thông báo chồng của họ hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an TP Hải Phòng, gia đình được phép gửi quà, gửi tiền cho anh Vươn, anh Quý.
Về số tài sản bị hủy hoại, mất mát sau buổi cưỡng chế hôm 5-1, chị Thương, chị Hiền cho biết, sự việc cụ thể ai phá, ai đốt, ai mang tài sản của gia đình chị đi, các chị không được biết.
Chiều 2-2, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng có mặt tại huyện Tiên Lãng và đã gặp, hỏi thăm vợ con anh Vươn, anh Quý. Cùng ngày, đoàn công tác của Hội Nông dân Việt Nam đã làm việc với hội nông dân các cấp ở Hải Phòng để nắm bắt tình hình. Trao đổi với các PV, ông Lượng cho biết mục đích thu hồi đất phải là dành cho thủy điện, khu công nghiệp... còn như mục đích thu hồi đầm của huyện Tiên Lãng là không rõ ràng. Hội Nông dân Việt Nam xuống đây để khảo sát, xem xét tình hình cụ thể để có ý kiến với cơ quan liên quan và báo cáo Chính phủ. |
Lý do là cả hai chị đều bị bắt giữ ngay buổi trưa hôm 5-1, đến 10-1 mới được tại ngoại. “Khi em về thì thấy các ngôi nhà, các công trình khác như bể nước, giếng nước, chuồng trại nuôi dê… đều đã bị san phẳng. Những tài sản trong nhà như tủ, kệ, giường, bàn ghế, ti vi, giàn máy nghe nhạc, chăn màn quần áo, nồi niêu bát đĩa… đều không còn gì. Em nghe nhiều người nói lại thì ngay chiều 5-1, người ta đã đốt đồ đạc nhà em khói um cả lên, còn việc đập phá diễn ra vào sáng 6-1, người ta sử dụng cả xe gầu xúc “con cò” để phá nhà và các công trình kiến truc”.
Chị Thương cho biết thêm, ngôi nhà của gia đình chị ở đầm ngoài cũng bị đập phá tan tành. “Nhà của tôi nằm trong diện tích bị cưỡng chế, còn nhà em chồng và em dâu tôi (tức nhà chị Hiền anh Quý đang ở, nhưng trước đấy do anh Vươn xây dựng) thì hoàn toàn nằm ngoài diện tích bị cưỡng chế hôm đó”, chị Thương nói, mắt ngấn nước.
Các chị Thương, Hiền cho biết, hai chị đã có đơn tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của một số người ở huyện Tiên Lãng, gửi tới Công an và Viện KSND TP Hải Phòng.
Trong đơn, hai chị sơ bộ đánh giá tài sản bị thiệt hại khoảng một tỷ đồng. Đơn của các chị đề ngày 13-1, song từ khi gửi đơn đi đến nay, các chị chưa nhận được hồi âm nào.
“Chiều nay, tôi nhận được giấy mời của lãnh đạo UBND xã Vinh Quang, mời ngày mai ra trụ sở ủy ban để “bàn giao lại tài sản mà đoàn cưỡng chế đã thu hồi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn”. Quan điểm của tôi, tài sản của hai gia đình chúng tôi hiện không biết thứ nào bị “thu giữ”, thứ nào bị đốt phá, thứ nào bị mất cắp.
Chúng tôi đã có đơn tố cáo, ai đang giữ tài sản của chúng tôi chính là đang giữ tang vật của vụ án “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, họ phải giao nộp cho Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng”, chị Thương nói.
Tối 2-2, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết tuần tới sẽ có văn bản kết luận cụ thể xung quanh vụ việc thu hồi, cưỡng chế đầm của gia đình anh Vươn. |
Tổ PV Pháp luật