Bị đề nghị 4 - 5 năm tù, nguyên phó Thống đốc bật khóc

Nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
Nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình tại tòa. Ảnh: Tân Châu.
TP - Hôm qua (27/6), phiên tòa của TAND TPHCM xử vụ sai phạm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt tại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB) chuyển sang phần tranh tụng.

Nếu các bị cáo thực hiện đúng nhiệm vụ...

Buổi sáng, đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án. Theo vị công tố, trong hai ngày xét xử vừa qua, bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên phó Thống đốc NHNN) không thừa nhận hành vi sai phạm, chỉ thừa nhận không hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên VKS căn cứ vào hồ sơ vụ án, xác định bị cáo Bình đã không thực hiện hết nhiệm vụ được giao, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu Trustbank, không biết rõ năng lực tài chính của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB). Đây chính là nguyên nhân đổ vỡ phương án tái cơ cấu, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến ngân hàng thành công cụ phạm tội, gây thất thoát 18.000 tỷ đồng tại VNCB.

Bị cáo Hà Tấn Phước (Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên phó Giám đốc NHNN CN tỉnh Long An), cho rằng cáo trạng truy tố không đúng, bị cáo đã làm hết trách nhiệm được giao, tại cơ quan điều tra bị cáo cho rằng mình bị oan. Tại tòa bị cáo Phước nhận thấy có một phần trách nhiệm, không đeo bám, quyết liệt. Bị cáo Phạm Thế Tuân (Tổ phó Tổ giám sát, nguyên phó Giám đốc VietcomBank CN TPHCM), trong quá trình điều tra và tại tòa đã thành khẩn, nhận trách nhiệm thiếu sót của mình. Bị cáo Ngô Văn Thanh (thành viên Tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ VietcomBank CN tỉnh Long An), không đồng ý với trách nhiệm về số tiền 10.000 tỷ đồng thiệt hại như cáo trạng quy kết và cho rằng đã làm đúng trách nhiệm của mình, có sai nhưng những sai phạm rất nhỏ, chưa đến mức truy cứu hình sự. Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Thanh tra NHNN CN tỉnh Long An, thành viên Tổ giám sát), cho rằng việc đề xuất gửi tiền liên ngân hàng tại 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank là đúng trách nhiệm và thừa nhận mình chưa làm tròn trách nhiệm. Công tố viên cho rằng, Quyết định số 12 của NHNN đã xác định vai trò trách nhiệm của Tổ giám sát, nếu các bị cáo thực hiện đúng nhiệm vụ thì ông Danh dù có dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều chiêu trò gian dối cũng không thể gây thiệt hại.

Ghi nhận các bị cáo trong quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, gia đình các bị cáo đều có công với cách mạng nên công tố cũng đề nghị HĐXX khi lượng hình xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Từ những nhận định phân tích trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Thanh Bình từ 4-5 năm tù; Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân  từ 30 đến 36 tháng tù; Lê Văn Thanh  từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù và Ngô Văn Thanh  từ 24 đến 30 tháng tù  với cùng tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Công tố viên cũng đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo vì thiệt hại trên 18.000 tỷ đồng do ông Phạm Công Danh và đồng phạm ông Danh sử dụng. Đáng lưu ý là công tố viên đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND tối cao làm rõ hành vi của các thành viên trong Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.

Nguyên phó Thống đốc bật khóc khi tự bào chữa

Buổi chiều ngày xử, bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình, luật sư (Ls) của bị cáo này cho rằng, các văn bản ghi nhận quyền hạn, trách nhiệm của ông Bình thể hiện rõ trong Quyết định 1239, Quyết định 78. Ban chỉ đạo tái cơ cấu, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo NHNN chứ không làm thay công việc giám sát, đây là cơ sở để xem xét ông Bình có làm tròn trách nhiệm của mình hay không. Xuyên suốt thời gian tham gia tái cơ cấu Trustbank, ông Bình xem xét kỹ từng tài liệu, tờ trình về tình trạng Trustbank. “Ông Bình không hề bỏ sót một tờ trình nào, nhưng công tố cho rằng bị cáo Bình thiếu trách nhiệm thì không có căn cứ” - Ls của ông Bình khẳng định. Cũng theo vị Ls này, công tố  nói ông Bình là người đồng ý để ông Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu Trustbank là không đúng vì ngày 3/7/2012, Cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu, thể hiện trong kết luận của chính cuộc họp. “Quyết định cho ông Danh tham gia Trustbank là của NHNN chứ không riêng ông Bình” – Ls nói. Viện dẫn việc chỉ đạo tái cơ cấu rất kịp thời, đúng đắn, nguyên nhân đổ vỡ tái cơ cấu do ông Phạm Công Danh đã có thủ đoạn rất tinh vi, che giấu sự thật, Ls cho rằng công tố viên đề nghị phạt ông Bình 4-5 năm tù là quá áp lực với ông Bình. “Chúng tôi đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự với ông Bình” – Ls kiến nghị.

Ngay sau khi Ls dứt lời, HĐXX cho ông Bình tự bào chữa. Ông Bình nói bối cảnh tái cơ cấu trong khi nguồn lực không có,  không có quy định về hoạt động tái cơ cấu, bước vào tái cơ cấu không được chuẩn bị về kinh nghiệm. “Trong khi tái cơ cấu là bắt buộc phải làm, nếu không hậu quả là vô cùng lớn” – Ông Bình phân bua. Gần kết thúc phần bào chữa, giọng ông bất ngờ trùng xuống, ông nói nhỏ, giọng nghẹn ngào: Thưa tòa, những người được giao việc tái cơ cấu là những người có động cơ trong sáng… Nói đến đây, nguyên phó Thống đốc khóc nghẹn, chủ tọa mời ông Bình về chỗ ngồi. Theo quan sát của phóng viên, trong phòng xử, nhiều người dự tòa nguyên là cấp dưới và người thân ông Bình cũng rưng rưng nước mắt…

 Công tố cũng đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo; Đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND tối cao làm rõ hành vi của các thành viên trong Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.