Bí ẩn quanh hình ảnh máy bay vượt rào âm thanh

Máy bay chiến đấu tạo ra một cái nón từ hơi nước.
Máy bay chiến đấu tạo ra một cái nón từ hơi nước.
Khoảnh khắc một chiếc máy bay chiến đấu tạo ra một cái nón từ hơi nước, khi nó dần đạt tốc độ siêu âm, đã được các nhiếp ảnh gia ghi lại chi tiết.

Tuy nhiên, đây không phải thời điểm máy bay phá rào âm thanh, như nhiều người vẫn tưởng. Daily Mail dẫn lời nhiếp ảnh gia hàng không Darek Siusta cho biết chiếc nón hình thành do máy bay di chuyển với tốc độ cao, gây ra sự thay đổi về áp suất và khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ quanh thân nó. Hình ảnh này thường được cho là xuất hiện khi máy bay vượt rào âm thanh. Trên thực tế, nó diễn ra trước khi máy bay vượt rào âm thanh, dù luôn đi kèm một tiếng nổ âm rất lớn.

Giống như nón hơi nước, tiếng nổ âm cũng xuất hiện do hoạt động của máy bay. Khi máy bay di chuyển, nó tạo ra nhiều sóng áp lực phía trước và sau thân, tương tự như sóng mũi và đuôi một con tàu tạo ra lúc hoạt động dưới nước. Các sóng này có tốc độ bằng với âm thanh (1.225km/h).

Khi máy bay tăng tốc độ vượt âm thanh, các sóng áp lực phía sau sẽ bị dồn ép lên phía trước, vốn có tốc độ chậm hơn. Dần dần chúng hợp thành một sóng chấn động lớn, di chuyển trong không khí với tốc độ cao.

Những người đứng dưới đất khi máy bay lao qua với tốc độ siêu âm thường sẽ nghe thấy một tiếng nổ lớn tới choáng người, kèm theo đó là sóng chấn động đập vào cơ thể. Người ta đồn nhau rằng tiếng nổ âm chỉ xuất hiện một lần khi máy bay lần đầu phá rào âm thanh. Thực tế không phải vậy, tiếng nổ âm thanh sẽ xuất hiện liên tục và người ta sẽ vẫn nghe thấy nó nếu đứng trước rào âm thanh.

Darek Siusta là người có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh máy bay đang di chuyển siêu âm. Để có bộ ảnh ấn tượng đăng trên tờ Daily Mail, người đàn ông này đã tìm tới Hội chợ hàng không Oceana ở Virginia Beach, Virginia. Anh sử dụng ống kính một tiêu cự Nikkor 500mm f4 VRII, gắn trên thân máy Nikon D4 để ghi lại màn vượt âm thanh của máy bay.

Khi chiếc máy bay F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ lướt qua với tốc độ 1.225 km/h và tạo ra nhiều sóng chấn động trong không khí, Siusta đã ghi lại hình ảnh của nó với khẩu độ f4, tốc độ cửa chập 1/4.000 và ISO 100 để có bức ảnh mịn màng, chất lượng cao. Anh nói rằng toàn bộ các bức ảnh của mình đã được ghi lại trong chưa đầy một giây.

Theo Theo Vietnamplus
MỚI - NÓNG