Bí ẩn những ngọn bạch lạp Trường Sa

Đèn biển trên đảo đá Tây
Đèn biển trên đảo đá Tây
TP - Đá Tây B. Một pháo đài chật hẹp, nổi lên trơ trọi giữa đại dương. Từ cầu tàu nhìn sang, đảo đèn nhô lên mặt biển như một cái mai rùa, còn cây đèn biển chẳng khác nào cây bạch lạp gắn trên lưng rùa tại các nơi cúng lễ.

> Mắt biển Trường Sa
> Bộ trưởng GTVT đến Trường Sa kiểm tra an toàn hàng hải

Đá Tây B là một cụm có hai hòn đảo nhỏ liền kề kết nối nhau bởi một chiếc cầu bê tông kiên cố, ngoài ra còn một hòn thứ ba có cây đèn biển nằm tách biệt cách khối liên hoàn này khoảng non cây số, muốn sang bên ấy chỉ còn cách đi canô.

Từ cầu tàu nhìn sang, đảo đèn nhô lên mặt biển như một cái mai rùa, còn cây đèn biển chẳng khác nào cây bạch lạp gắn trên lưng rùa tại các nơi cúng lễ.

Anh Đoàn Văn Tấn, tổ trưởng tổ đèn biển Đá Tây B mà anh em ở đây tự phong là Đèn Trưởng tư lệnh đảo cho biết, đèn biển Đá Tây B cùng hàng chục đèn biển khác rải rác trên các đảo Trường Sa đều thuộc sự quản lý của Tổng công ty Bảo đảm an toàn giao thông hàng hải Miền Nam, thuộc Bộ Giao thông vận tải, tất cả đều có tên và được đánh dấu trên bản đồ hàng hải thế giới.

Đèn biển có nhiệm vụ phát sáng về đêm với cường độ ánh sáng xa từ 15 - 20 hải lý, giúp tàu bè đi lại an toàn trên tuyến hàng hải qua khu vực Trường Sa.

Công việc thì thuần chất dân sự, nhưng tác nghiệp trong khu vực chiến sự, lại luôn sát cánh cùng bộ đội chiến đấu trên cùng một điểm chốt, nên xét về mọi phương diện, cán bộ nhân viên đèn biển cũng chẳng khác gì bộ đội trực chiến trên chốt. Bởi thế đã từ lâu lính đảo Trường Sa quen gọi anh em bên này bằng cái tên trìu mến là lính đảo đèn.

Lính đảo đèn Đá Tây B có bốn người cả thảy. Anh Tấn tự giới thiệu quê gốc Thủy Nguyên - Hải Phòng, vào ngành 1992, thoạt đầu là công nhân đóng tàu sau chuyển sang nghề gác đèn biển. 20 năm trong nghề, 15 năm gác đèn, từng lang thang qua hàng chục đảo đèn trơ trọi giữa biển khơi.

Xa vợ con gia đình đó là đặc trưng nghề nghiệp lính đảo đèn. Anh nói vui, mỗi năm đi phép một lần, về nhà con nhỏ trông thấy bố toàn gọi là bác, mới hỏi lại, thế có bác hàng xóm nào con gọi là bố thì chỉ cho bác biết bác cho kẹo?

Rồi anh Đèn Trưởng giới thiệu đến ba Đèn Viên của mình. Phạm Văn Nghĩa quê Hải Dương, Lê Tuấn Anh, Phan Văn Minh đều quê Thái Bình. Cả ba đều học trung cấp Hàng hải, ra trường được biên chế vào ngạch đèn biển và được điều ra đảo.

Tất cả đều chưa tới 25 và đều chưa có người yêu. Nói đến đây, Đèn Trưởng ném cái nhìn đầy ý nghĩa về phía mấy cô văn công trẻ. Các nàng tiên giáng trần thông minh sáng láng như hiểu ý, liền làm mấy động tác hôn gió gửi đến ba chàng ngự lâm pháo thủ đang bẽn lẽn ngồi ở vòng ngoài.

Tất cả mọi người reo cười vỗ tay rào rào hưởng ứng. Trong không khí hân hoan xóa nhòa chủ khách, ông Võ Duy Khương - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - trao tặng anh em đảo đèn những thùng quà đem theo từ đất liền. Phần văn nghệ.

Ba cô văn công Đà Nẵng mỗi người hát tặng hai bài. Nữ ca sĩ Mỹ Hạnh hát bài Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương, hát chay không có nhạc đệm. Khuôn mặt Đoàn Văn Tấn vốn rắn rỏi góc cạnh xạm màu nắng gió bỗng như chùng xuống, thả lỏng ra trong một trạng thái thư giãn hoàn toàn...

Tôi buột miệng hỏi ba lính đảo rằng sao lại chọn học nghề đèn biển? Phan Văn Vinh hồn nhiên trả lời vì nghề này dễ xin việc, học xong là được gọi ngay, cũng giống như bộ đội í mà. Biết là vất vả, xa nhà nhưng còn có tiền gửi về cho bố mẹ.

Im lặng hồi lâu, anh nói tiếp: Mình không làm thì lại có người khác cũng phải làm. Đèn biển không thể không thắp sáng dù chỉ một phút trong đêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG